Thời gian gần đây, món gỏi gà măng cụt đang làm khuynh đảo cộng đồng mạng, rất nhiều người học cách chế biến trên mạng để tạo ra món ăn “hot trend” cho gia đình thưởng thức. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng đây là loại quả chỉ tốt khi ăn chín, còn khi ăn quả xanh có thể gây hệ lụy với sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, măng cụt là loại quả có nhiều ở miền Nam, đa số mọi người sử dụng khi quả đã chín và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Đối với việc sử dụng quả xanh, nhất là việc nhiều người trộn gỏi gà như trên mạng xã hội chia sẻ, bác sĩ Diệp cho biết không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, mọi người hoàn toàn có thể thưởng thức nếu cảm thấy hợp khẩu vị.
Theo bác sĩ Diệp, do măng cụt chín thường mềm, chứa nhiều nước nên khi làm gỏi, trộn với nhiều loại gia vị rất nhanh nát và ăn không được ngon. Do vậy, dùng măng cụt non hoặc khi còn xanh để làm salad hoặc trộn gỏi sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, dùng quả còn xanh sẽ ít giá trị dinh dưỡng hơn ăn quả chín.
Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, măng cụt là loại quả không có độc nhưng cũng cần lưu ý khi ăn. Nguyên nhân là trong quả măng cụt xanh hoặc chín có một số chất có thể ảnh tới sức khỏe.
Ông Sáng lấy ví dụ, trong quả măng cụt có nhiều axit lactic, nếu ăn quá nhiều sẽ không tốt cho dạ dày. Những người đang điều trị bệnh lý dạ dày cấp tính không nên ăn loại trái cây này vì có thể làm bệnh lý nặng thêm.
Ngoài ra, các trường hợp đang bị xuất huyết tiêu hoá cũng cần tránh ăn măng cụt sau phẫu thuật để tránh nguy cơ tổn thương dạ dày do axit lactic cao và chảy máu bất thường do có liên quan tới chất xanthones có trong măng cụt.
Hay với những người có cơ địa nhạy cảm, ăn măng cụt có thể xảy ra phản ứng dị ứng nhẹ như: nổi mề đay, da mẩn đỏ, sưng, ngứa và phát ban. Do trong nhựa của măng cụt có chất gây ra dị ứng. Có những trường hợp phản ứng mạnh còn gây nguy hiểm tính mạng.
Do vậy, người có cơ địa dị ứng càng cần thận trọng khi ăn măng cụt. Nếu ăn nên thử với một lượng nhỏ để xem phản ứng của cơ thể. Nếu cơ thể không xảy ra vấn đề bất thường thì có thể ăn bình thường. Còn đối với trường hợp ăn măng cụt xong bị mẩn ngứa, nổi mề đay, mọi người cần nghĩ tới khả năng bị dị ứng và nên đi thăm khám sớm.
Riêng với trẻ nhỏ, ăn măng cụt cần cẩn trọng vì trẻ có thể nuốt phải hạt lép, có nguy cơ bị hóc dị vật, gây tắc nghẽn đường thở rất nguy hiểm. Trường hợp dị vật trôi được xuống đường tiêu hoá có thể gây ra tắc ruột. Do vậy, khi trẻ ăn măng cụt cần có sự giám sát của người lớn.
Lưu ý khi sử dụng măng cụt
Dường như măng cụt xanh có nhựa nhiều hơn, vì thế khi chế biến phải cẩn thận bằng cách ngâm nước, có thể gây dị ứng cho một số người nhạy cảm. Về dinh dưỡng, măng cụt chín sẽ tốt hơn và nhiều hơn.
Không nên ăn quả măng cụt hoặc sử dụng dược liệu liên tục trong thời gian dài.
Bệnh nhân đang chuẩn bị làm phẫu thuật không nên dùng măng cụt trong khoảng thời gian trước đó 2 tuần. Chất xanthones trong dược liệu có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, làm vết mổ bị chảy máu nhiều.
Măng cụt có tính mát nên tránh ăn cùng lúc với các loại thực phẩm có đặc tính tương tự như dưa hấu, măng tây, dừa, dưa leo hay đậu tương.
Không nên dùng măng cụt cùng nước uống có ga, sẽ làm hại đường tiêu hóa. Măng cụt có vị chua, có chứa hàm lượng axit lactic cao, nên dùng sau bữa ăn, không nên ăn khi đói có thể khiến bạn bị đau dạ dày.
Ngoài vị chua, măng cụt có hàm lượng chất xơ cao, vì thế không nên thường xuyên sử dụng loại trái cây này hàng ngày, cũng không nên ăn quá nhiều. Người bị bệnh về tiêu hóa cần cẩn trọng, không nên ăn quá 300 g/ngày.
Đảm bảo dược liệu được sử dụng không bị nhiễm thuốc trừ sâu và chất hóa học độc hại. Sử dụng vỏ măng cụt sạch, biết rõ nguồn gốc xuất xứ để làm thuốc nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Sử dụng dụng cụ bằng gỗ hoặc nồi đất để chế biến thuốc. Tránh dùng đồ kim loại.
Bệnh nhân bị dị ứng với một trong các thành phần của măng cụt thì không nên dùng dưới mọi hình thức.
Xem thêm