8X ở Ninh Bình đã làm giàu từ mô hình nuôi ốc nhồi với bí quyết ấp trứng ốc. |
Nhìn thấy tiềm năng lớn từ ốc nhồi
Năm 2002, anh Sơn vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề mộc, năm 2016 anh quyết định trở về tìm kiếm cơ hội lập nghiệp tại quê nhà. Khởi nghiệp bằng mô hình nuôi gà và thả cá nước ngọt với số vốn đầu tư 100 triệu đồng, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau một thời gian nghiên cứu trên sách, báo, youtube và tìm hiểu thực tế, anh Sơn quyết định đầu tư vào mô hình nuôi ốc nhồi, đây là loại con nuôi ít tiêu tốn thức ăn, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Bên cạnh đó nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc nhồi trên thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung còn khá hạn chế.
Năm 2017, anh Sơn bắt đầu chuyển đổi những ao nuôi cá của gia đình sang nuôi ốc nhồi. Quá trình nuôi, anh ghi chép cẩn thận lại các giai đoạn phát triển của ốc, các loại thức ăn được ốc ưa thích. “Vạn sự khởi đầu nan”, mặc dù rất chăm chỉ, vừa nuôi thử, vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa học học hỏi trên mạng Internet, nhưng thời gian đầu ốc chậm lớn, tỷ lệ chết khá cao, trứng ốc tỷ lệ ấp nở thấp…
Ốc nhồi giống và ốc thương phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh đến mua. |
Không nản lòng, anh Sơn lặn lội đến những mô hình nuôi ốc nhồi hiệu quả trong và ngoài huyện để học tập kinh nghiệm. Khi vững kiến thức, làm chủ tất cả quy trình nuôi ốc, anh về mạnh dạnh đề xuất xin bố mẹ cải tạo ao, vườn của gia đình với diện tích hơn 2 mẫu sang nuôi ốc nhồi. Hiện nay, anh Sơn có 8 ao, trong đó 1 ao trữ nguồn nước sạch còn lại 7 ao nuôi ốc thương phẩm và khu sản xuất ốc giống.
Nhận thấy nuôi ốc trên bể xi măng cũng đem lại hiệu quả kinh tế, tận dụng được diện tích, năm 2020 anh Sơn xây thêm 8 bể xi măng với diện tích 10 – 15m2/bể để nuôi ốc nhồi. Cũng theo anh Sơn, quá trình nuôi thả ốc nhồi diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Vì vậy, ao nuôi cũng không cần kiên cố như một số con nuôi khác, quy mô, diện tích tuỳ vào khả năng cụ thể của hộ nuôi. Điều kiện nuôi tốt nhất trong môi trường nước ngọt, không bị nhiễm phèn, mặn hay nhiễm độc các loại thuốc bảo vệ thực vật. Điều đáng nói, nguồn thức ăn cũng hết sức phong phú, phổ biến, dễ kiếm trong tự nhiên như: Bèo tấm, bí, mướp, khoai lang và các loại lá cây…
Vì vậy, anh Sơn tận dụng toàn bộ diện tích xung quanh bờ ao, dựng giàn để trồng thêm các loại rau, cây ăn quả, vừa làm thức ăn vừa tạo bóng mát cho ốc trú ngụ. Trên mặt ao nuôi, anh trồng hoa súng, thả bèo bồng, bèo hoa dâu cho ốc đeo bám và sinh sản một cách tự nhiên. Tuỳ quy mô, số lượng, mật độ ốc nuôi thì 3 đến 4 ngày người nuôi mới phải bổ sung thức ăn một lần.
Đặc biệt, vào các tháng mùa đông, ốc nhồi sẽ ít vận động nên không cần cung cấp thức ăn nhiều, liên tục. Đây được coi là giai đoạn “ốc ngủ đông” nên việc cung cấp thức ăn chỉ thực hiện ở mức độ vừa phải, hạn chế thức ăn dư thừa trong ao kết hợp với chất thải của ốc quá nhiều sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.
Trứng ốc được thu gom để vào bể ương có mái che làm tăng tỷ lệ trứng nở và ốc con sống. |
Bí quyết nuôi ốc nhồi sinh sản
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc nhồi trên thị trường là rất lớn, trong khi nguồn cung hạn chế anh Sơn đã quyết định mở rộng quy mô trang trại ốc. Qua tìm hiểu nhận thấy đã có nhiều hộ nông dân chuyển hướng sang nuôi ốc nhồi thương phẩm để thay thế một số con nuôi truyền thống hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy cùng với nuôi ốc nhồi thương phẩm, anh Sơn cũng đầu tư nuôi ốc nhồi sinh sản.
Anh Sơn cho biết, việc nuôi ốc nhồi không quá khó. Điều kiện nuôi tốt nhất cho ốc là trong môi trường nước ngọt, nước không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn hay các loại thuốc bảo vệ thực vật. Mật độ nuôi ốc thương phẩm phù hợp là 200 - 300 con/m2. Thời gian trung bình cho một vụ nuôi từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch là 3,5 đến 4 tháng. Lúc này, ốc có thể đạt kích cỡ 25 con/kg. Nếu nuôi thêm 2 tháng nữa, ốc sẽ bắt đầu sinh sản.
Sau khi ốc đẻ trứng, anh Sơn gom lại, cho vào khay nhựa, đặt trên giá có nước bên dưới, để vào bể ương có mái che. |
Nếu nhân giống theo phương pháp tự nhiên thì tỷ lệ nở con chỉ đạt 50-60%. Vì vậy, sau khi ốc đẻ trứng, anh Sơn gom lại, cho vào khay nhựa, đặt trên giá có nước bên dưới, để vào bể ương có mái che. Quá trình ấp trứng ốc, anh Sơn dùng vải ướt che phủ lên trứng ốc, hàng ngày tưới phun sương 2 lần để đảm bảo trứng ốc luôn đủ ẩm. Sau khoảng 18 – 21 ngày, trứng ốc sẽ nở và ốc con tự bò xuống nước. Nhờ vậy, giảm thiểu thiệt hại các thiên địch khác phá hoại, ăn trứng, nhất là loài chuột, tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt trên 90%. Ốc con sau khi nở được thả vào bể nuôi 15 ngày là có thể xuất bán.
Thông qua các hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội facebook, anh Sơn đã kết nối với thị trường tiêu thụ ốc nhồi trong và ngoài tỉnh. Hiện, mỗi năm anh Sơn xuất bán gần 2 tấn ốc nhồi thương phẩm với giá bán dao động từ 90.000 đồng đến 100 nghìn đồng/kg; 80 – 100 vạn con ốc giống, với giá bán 2 – 2,5 triệu đồng/vạn. Mỗi năm, trừ chi phí anh Sơn thu lãi trên 300 triệu đồng.
Kỹ thuật thu và ấp trứng ốc nhồi
Trứng ốc nhồi sau khi được đẻ ra trong thời gian rất ngắn (15 - 20 phút) là trứng đã cứng ta phải tiến hành thu ngay. Thu các chùm trứng cho vào khay nhựa, không để chồng các chùm trứng lên nhau, cũng không để quá sát vào nhau sẽ làm dập trứng.
Ấp trứng có thể ấp vào khay nhựa, đặt khay nhựa chứa trứng trên mặt nước trong bể xi măng, mỗi ngày phun nước cho trứng một lần để giữ độ ẩm cho trứng. Thời gian ấp từ 13 - 20 ngày trứng ốc sẽ nở ra ốc con, tùy thuộc vào nhiệt độ, nhiệt độ thích hợp để ấp nở là 25 - 300C. Căn cứ vào thời gian đưa trứng vào ấp và màu sắc của chùm trứng ta có thể biết được trứng sắp nở để chuẩn bị ao (bể), thức ăn ương nuôi ốc con lên ốc giống. Trứng ốc mới đẻ ra có màu trắng sau đó chuyển dần sang màu xám, khi trứng sắp nở trứng có màu xám đen, sờ vào chùm trứng ta thấy mềm nhũn, nhìn qua lớp vỏ trứng ta thấy rõ được cả ốc con đang vận động trong lớp vỏ.
Ốc con sau khi nở ra đã có hình dáng giống với ốc trưởng thành. Ốc con mới nở ra đã có khả năng vận động mạnh, bò tìm nơi có nước và tìm vật bám. Ốc con dễ dàng bò ra khỏi khay ấp xuống bể xi măng, ta có thể ương nuôi ốc con lên ốc giống ngay trong bể ấp.Ta cũng có thể ấp trứng trong giai mắc trong ao đất, chú ý phải che giai tránh để ánh nắng trực tiếp chiếu vào trứng, cũng không để trứng bị nước mưa vào sẽ làm ung trứng. Để giữ độ ẩm cho trứng nên dải một lớp rễ bèo tây lên trên trứng (rễ bèo tây phải được khử trùng bằng thuốc tím KMnO4).
Anh Nguyễn Văn Sơn cải tạo ao nuôi chuẩn bị xuống giống vụ ốc mới. |
Ương nuôi ốc nhồi con lên ốc giống
Có thể ương trong bể xi măng hoặc ương trong giai mắc trong ao đất đều cho tỷ lệ sống cao.
Ương trong bể xi măng: Diện tích bể không nên quá to vì ốc ương nuôi được ở mật độ cao, bể nhỏ dễ chăm sóc quản lý hơn (bể nên có hình chữ nhật, diện tích 2 - 4 m2). Bể trước khi ương phải được dọn sạch, khử trùng bằng thuốc tím KMnO4. Nếu là bể mới phải ngâm thời gian ít nhất là 20 ngày trước khi sử dụng. Nước lấy vào bể ương là nước ao hay nước giếng khoan đều được.
Ương trong giai (Giai được mắc trong ao): Giai ương bằng lưới cước dày như giai ương tôm giống, cá giống đảm bảo thức ăn và ốc con không lọt ra ngoài, diện tích giai không nên quá rộng để dễ làm vệ sinh thường từ 2 - 4 m2 là vừa. Mực nước trong bể ương không cần quá sâu, chỉ cần 30 - 50 cm. Mật độ thả 5.000con/m2. Thả bèo ván làm vật bám cho ốc (thả 1/3 diện tích nuôi).
Từ loại vật nuôi ‘ăn sổ đỏ’, nhờ tìm tòi học hỏi để nắm rx kỹ thuật, anh Nguyễn Văn Sơn đã thành công với mô hình nuôi ốc nhồi. Bí quyết nuôi ốc nhồi hiệu quả là khai thác nguồn thức ăn tự nhiên, áp dụng phương pháp kỹ thuật ấp trứng ốc cho tỷ lệ nở cao. Làm giàu từ nuôi con đặc sản ốc nhồi, anh Sơn còn mở ra hướng phát triển kinh tế tại địa phương và các vùng nông thôn./.