Hiện nay, gia đình anh đã có 9 hồ nuôi ốc với số lượng hơn 20 vạn con bao gồm cả ốc giống, ốc bố mẹ, ốc thịt. |
Chìm nổi theo ốc bươu đen
Đầu năm 2020, Phạm Viết Sỹ không may bị tai nạn lao động. Sau hơn 3 tháng nằm viện điều trị, anh trở về quê bắt đầu đào ao thả ốc.
Bắt đầu khởi nghiệp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên ốc giống phát triển rất chậm. Anh Sỹ kể: Khoảng cuối năm 2020, tôi đã đầu tư 150 triệu đồng thuê lại 4.000m2 đất bạc màu hoang hóa tại địa phương, đào 9 ao và mua 150.000 ốc bươu giống ở Thanh Hoá về thả nuôi. Do chưa đủ kinh nghiệm nên lứa nuôi đầu tiên của tôi bị thất bại.
Không nản chí, tôi tiếp tục học hỏi và gọi điện tham khảo những người đi trước, rồi làm lại từ đầu. Qua lần thất bại đó tôi đã có những kinh nghiệm quý báu để nắm vững các kỹ thuật về quy trình nuôi ốc.
Trứng ốc bươu đen được ấp lấy giống. |
Anh bỏ thời gian đến các trang trại lớn làm ăn hiệu quả tại các tỉnh thành khác như Nghệ An, Thanh Hoá để mày mò học hỏi thêm. Đặc biệt, anh Sỹ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ốc bươu do Hội Nông dân huyện Can Lộc tổ chức để tích lũy thêm kinh nghiệm. Trời không phụ công người, trong những lần nuôi tiếp theo, nhờ nắm vững kỹ thuật nên ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt.
Hiện nay, gia đình anh đã có 9 hồ nuôi ốc với số lượng hơn 20 vạn con bao gồm cả ốc giống, ốc bố mẹ, ốc thịt. Ốc thương phẩm được thương lái thu mua với giá 90.000-120.000đồng/kg, ốc giống được bán với giá 300-350đồng/con, trừ mọi chi phí anh Sỹ bỏ túi hàng trăm triệu/năm.
Nhờ ấp đúng quy trình kỹ thuật nên ốc bươu đen giống đạt chất lượng tốt. |
Bí quyết nuôi ốc thả đâu thắng đó
Đúc kết kinh nghiệm sau những lần thất bại, hiện anh Phạm Viết Sỹ đã có trong tay bí quyết nuôi ốc nhồi hiệu quả.
Theo anh Sỹ, ốc bươu đen là loại ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm; nếu không phòng tránh tốt sẽ rất dễ nhiễm các bệnh như đường ruột, sưng vòi… Vì vậy, trước khi thả giống phải xử lý ao nuôi bằng vôi can xi (Dolemit).
Trong quá trình nuôi cứ 10 ngày lại tiếp tục rải Dolemit 1 lần để xử lý ao nuôi giúp ốc khỏe mạnh, nhanh lớn. Nuôi ốc bươu đen cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là bèo cám, bèo hoa dâu, lá sắn, mướp, bầu bí rất rẻ và dễ tìm.
Đặc biệt, ốc bươu đen chịu nhiệt kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào hồ, làm mát bằng màng lưới hoặc trồng cây leo phủ bóng. Còn trong mùa đông, ốc gần như không hoạt động nên người chăn nuôi cần phải giảm bớt nước trong hồ, thả nhiều bèo để giữ ấm cho vật nuôi.
Bèo cám là một trong những thức ăn của ốc bươu đen. |
Anh Sỹ cho biết thêm, nuôi ốc bươu đen dễ chăm sóc, không mất nhiều công sức, thời gian thu hồi vốn nhanh. Khi ốc đẻ trứng, cần thu gom các tổ trứng cho vào bể riêng, lắp đặt bóng điện và phun nước hàng ngày tạo môi trường ẩm thích hợp cho trứng ốc phát triển, khoảng 20 ngày là bán được.
Dù mới nuôi nhưng 3 năm qua, gia đình ảnh đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ ốc giống còn lại là ốc thương phẩm.
Hiện nay, ốc bươu đen là món ăn được người dân ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao nên đầu ra rất dễ. Cũng vì lẽ đó nên thời gian tới anh Sỹ sẽ tiếp tục mở rộng thêm 3 - 5 ao nuôi.
Hỏi về kinh nghiệm sau nhiều năm nuôi ốc, anh Sỹ cho biết: “Ốc bươu đen phát triển tốt trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm, nhiệt độ nguồn nước luôn giao động trong khoảng từ 27 đến 33 độ C. Để đảm bảo nhiệt độ trong ao nuôi luôn ổn định, tôi thả bèo tây trên mặt ao. Bèo tây giúp nước trong ao mát về mùa hè, giữ ấm vào mùa đông, bèo tây cũng chính là nguồn thức ăn cho ốc”.
Ngoài ra chúng ta cũng nên đào ao hồ ở các địa điểm có khe suối, để thuận tiện trong khâu thay nước, đảm bảo vệ sinh tránh dịch bệnh, anh Sỹ cho biết thêm.
Mô hình nuôi ốc bươu đen được chính quyền địa phương đánh giá cao. |
Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Thường Nga, huyện Can Lộc, cho biết: Anh Phan Văn Sỹ là một hội viên Hội Nông dân rất cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Khi được Hội tham mưu, hướng dẫn kỹ thuật về mô hình nuôi ốc bươu đen, anh Sỹ đã đi đầu, tham quan học hỏi các mô hình tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh để về áp dụng tại chính quê hương của mình.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của hộ gia đình anh Sỹ được xem là mô hình điểm của địa phương, bước đầu mang lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Ngoài ra anh Sỹ còn hỗ trợ, giúp đỡ giống và kỹ thuật cho những gia đình mong muốn phát triển, làm giàu bằng nuôi ốc bươu đen. Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện trong việc đa dạng hóa cơ cấu con nuôi. Vì vậy, mô hình này cần được xem xét và nhân rộng nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương./.