Là người dân gốc miền Tây, anh Đỗ Minh Tuấn (thôn 7, xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) mưu sinh với đủ nghề. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, anh Tuấn dừng chân ở lại Đắk Lắk và không chùm bước mà tiếp tục cùng gia đình về Tây Nguyên khởi nghiệp.
Anh Tuấn chia sẻ, trước đó nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen rất thích hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao song mô hình này vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, anh quyết định đầu tư nuôi loại ốc này.
Anh Tuấn kiểm tra sự phát triển của ốc bươu đen trong hồ. |
Năm 2020, anh Tuấn mạnh dạn cải tạo 500m2 ao cũ bên cạnh ruộng lúa của gia đình và đặt mua ốc giống về nuôi thử nghiệm. Sau thời gian tìm hiểu phương pháp nuôi tối ưu nhất, anh quyết định kết hợp nuôi ốc bươu đen xen kẽ trong ruộng lúa, vừa giúp anh tiết kiệm được diện tích ao nuôi vừa có thể trồng lúa tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Khi mới bắt đầu, anh gặp nhiều khó khăn về vốn, lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên ốc phát triển chậm và chết nhiều. Có những thời điểm ốc chết nổi đầy mặt nước. Không nản chí, anh tiếp tục học hỏi thêm kỹ thuật nuôi ốc ở các trang trại lớn, trên internet, báo đài. Đặc biệt, anh tích cực tham gia các hội thanh niên khởi nghiệp ở địa phương để cùng chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn trong quá trình nuôi ốc.
Với niềm đam mê và ý chí quyết tâm học hỏi, anh Tuấn không ngừng trau dồi kiến thức, thường xuyên lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm và kết hợp những kỹ thuật mới trong quá trình nuôi ốc. Từ đó mô hình của anh bước đầu đem lại hiệu quả, đàn ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt.
Kiếm hơn nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi ốc bươu đen
Anh Tuấn chia sẻ: “Ốc bươu đen là loại ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm, đặc biệt không chung sống với các loài khác như: cá, vịt, ngan. Để ốc khỏe mạnh, nhanh lớn, cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Bởi chính những thức ăn thừa sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường nước khiến ốc bị chết, mắc bệnh. Thức ăn cho ốc đơn giản, dễ tìm và chi phí đầu tư thấp, chủ yếu là chất xanh như mướp, bí đỏ, bèo tấm, các loại rau, cỏ… thả nổi trên mặt nước.
Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh hồ nuôi, làm sạch bèo, cỏ, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao để ốc có môi trường sinh trưởng tốt nhất”.
Ốc bươu đen với giá bán từ 50.000 – 70.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. |
Nhờ nắm vững các kỹ thuật, hiện gia đình anh Tuấn đang nuôi trên 200.000 con ốc bố mẹ và thương phẩm trên diện tích 2ha. Ước tính, mỗi năm anh cung cấp ra thị trường từ 5 – 7 tấn ốc thương phẩm với giá bán từ 50.000 – 70.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Không chỉ nuôi ốc bươu thương phẩm và bán trứng ốc, anh Tuấn còn nghiên cứu học hỏi cách ấp nở trứng thành ốc con để tự cấp con giống và nuôi bán con giống. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, anh Tuấn lãi được 500 triệu đồng nhờ bán trứng ốc, con giống và ốc thương phẩm.
Anh Tuấn chia sẻ thêm: “Sau khoảng 5- 7 tháng nuôi, ốc bố mẹ có khả năng sinh sản trong khoảng một năm rưỡi. Tại bể ốc bố mẹ, tôi đặt những tấm xốp kèm bèo cái, bèo tây thả nổi trên mặt nước làm nơi tránh nắng cũng là nơi để ốc lên sinh sản. Sau khi ốc đẻ trứng, tôi gom trứng ốc và thả vào thùng xốp để ấp”.
Trứng ốc cần duy trì nhiệt độ, ẩm độ ổn định, trong khi ấp trứng anh Tuấn dùng khăn nhúng ướt thường xuyên phủ lên trứng ốc. Trứng sẽ nở sau khoảng 15 ngày ấp, anh đem thả xuống tráng lưới để tiếp tục ươm giống, giúp ốc nở và thích nghi với môi trường.
Anh Tuấn cho hay, anh sẽ tiếp tục đầu tư mô hình nuôi ốc bươu đen cùng với nhiều loại sản phẩm khác. |
Khi ốc con đạt kích thước bằng khoảng hạt đậu đen là có thể xuất bán giống hoặc tiếp tục nuôi để bán ốc thương phẩm. Đối với ốc thương phẩm, mật độ tốt nhất để ốc phát triển là từ 110-140 con/m2. Một năm anh Tuấn nuôi 2 vụ, mỗi vụ kéo dài từ 5 – 6 tháng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tuấn còn cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật nuôi, bao tiêu cho một số hộ nông dân trong xã với mong muốn nhân rộng mô hình để cùng nhau làm giàu, góp phần phát triển đặc sản huyện Ea Súp. Hiện có một số hộ nông dân có diện tích đất ao canh tác kém hiệu quả đã liên kết với anh nuôi ốc trên diện tích khoảng 5ha. Dự kiến sẽ cho thu nhập cao trong thời gian tới.
Điển hình như hộ gia đình anh Dương Văn Hiển cũng tại thôn 7, xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Anh Hiển cho biết: “Nhờ được anh Tuấn tận tình chia sẻ và hỗ trợ kỹ thuật nuôi, đến nay, gia đình tôi đang nuôi khoảng 100.000 ốc thương phẩm trên diện tích 1ha. Năm 2021, tôi thu lợi nhuận được khoảng 250 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí”.
Ông Trần Doãn Sáng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp cho biết: “Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc bươu đen trên thị trường là rất lớn, trong khi nguồn cung còn hạn chế. Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Tuấn là hướng đi bền vững giúp người dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Để người dân nhân rộng mô hình cũng như nắm vững quy trình, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi cho các hội viên. Trong thời gian tới địa phương sẽ phối hợp với các đoàn thể hướng dẫn nông dân, nhất là trong những vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham quan tìm hiểu mô hình này để mọi người học hỏi thêm kiến thức, góp phần cải thiện đời sống gia đình mình, tăng thêm thu nhập và thúc đẩy kinh tế địa phương”.