Phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%, cả năm vượt 7% Phấn đấu hết năm 2025, Việt Nam xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 lên 7% |
Kinh tế Việt Nam trên đà tăng trưởng, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng. |
Tại cuộc tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - triển vọng và thách thức” ngày 15.10, báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho thấy kết thúc quý 3/2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025.
Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - triển vọng và thách thức” |
Kinh tế phục hồi mạnh
Trong 9 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh với mức tăng 6,82%, gấp 15 lần so với năm trước.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.
Tăng trưởng thương mại đã góp phần giúp cho nhu cầu trong nước từng bước phục hồi, trong đó tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng đạt lần lượt 6,8% và 8,8%% so cùng kỳ năm 2023.
Ở phía khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, do chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi, mức tăng trưởng chỉ đạt 3,20%, giảm so với cùng kì năm ngoái (3,43%).
Bên cạnh đó, khối ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 6,32% nhờ sự hồi sinh của du lịch và các ngành thương mại, vận tải.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh lên mức 8,19% so với 2,41% cùng kì năm ngoái, nhờ vào sự phục hồi ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR |
Sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 9 năm 2024, mạnh hơn mức tăng trưởng 8,4% đã được điều chỉnh giảm trong tháng trước. Đây là tháng thứ bảy liên tiếp sản lượng công nghiệp tăng trưởng, bất chấp thiệt hại do một cơn bão lớn gây ra ở một số vùng của đất nước. Trong đó, một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước bao gồm sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 16,9%.
Nhìn chung tốc độ phục hồi sản xuất của Việt Nam tương đối tốt so với các nước trong khu vực, chỉ số PMI tháng 7 và tháng 8 luôn ở mức trên 52 điểm. Sự gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra dự kiến chỉ là tạm thời, các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trở lại trong Quý IV.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là một trong những điểm sáng của nền kinh tế
Kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam Quý III/2024 đồng loạt tăng cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ và 10,6% so với Qúy II. Nhập khẩu đạt 99,74 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ và 6,1% so với quý trước, đưa cán cân thương mại trong quý nghiêng về phía xuất siêu 8,8 tỷ USD.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024. Điều này minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ và khả năng cạnh tranh ngày càng cải thiện của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Kim ngạch xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn cũng ghi nhận kết quả tích cực trong 9 tháng của năm 2024. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, trong khi Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn Q4/2023 - Q3/2024 (VEPR) |
Du lịch hồi sinh đóng góp vào sự tăng trưởng
Tháng 9/2024 đã ghi dấu với gần 1,3 triệu lượt khách quốc tế, nâng tổng số du khách nước ngoài trong 9 tháng đầu năm lên hơn 12,7 triệu lượt, tăng mạnh 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch sau đại dịch là một tín hiệu tích cực đến từ các thị trường lớn như Hàn Quốc và Trung Quốc. Lượng khách từ Trung Quốc tăng đột biến, đạt 141,4%, trong khi Hàn Quốc tăng 30,3%.
Không chỉ châu Á, các thị trường châu Âu cũng ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ, đặc biệt là Nga với mức tăng 80,5% so với năm trước và vượt xa mức trước đại dịch. Ngoài ra, chương trình xúc tiến du lịch điện ảnh tại Hoa Kỳ đã mở ra những cơ hội lớn để thu hút du khách từ thị trường tiềm năng này.
Với đà tăng trưởng hiện tại, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ về lượng khách quốc tế trong những tháng cuối năm, góp phần khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bởi VEPR |
Với những tín hiệu phục hồi nói trên, VEPR đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng Quý IV dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức từ 6.84%. Với kịch bản cao, VEPR cho rằng tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt 7%.