Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 526 tỷ USD Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao Xuất siêu hơn 9 tỷ USD sau 10 tháng |
Cán cân thương mại thặng dư 9,59 tỷ USD
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10 (từ ngày 16-31/10) đạt 30,32 tỷ USD, tăng 9,3% (tương ứng tăng 2,57 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2022.
Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 616,3 tỷ USD, tăng 14,1%, tương ứng tăng 75,99 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 616 tỷ USD |
Trong kỳ 2 tháng 10 năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,39 tỷ USD. Tính chung trong 10 tháng, cán cân thương mại thặng dư 9,59 tỷ USD.
Với con số này, bình quân mỗi tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đã đạt 61,63 tỷ USD/tháng.
Với quy luật hàng năm, kim ngạch xuất nhập khẩu thường tăng cao vào giai đoạn cuối năm do nhu cầu hàng hóa phục vụ cho dịp lễ, Tết, kết thúc năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước có thể đạt con số 740 tỷ USD.
Trước đó, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.
Xuất khẩu vào Hoa Kỳ, EU giữ mức tăng 2 con số
Theo đại diện Bộ Công Thương, tính trong tháng 10/2022, xuất khẩu thu về khoảng 30,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021, qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 312,8 tỷ USD (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước).
Đi vào chi tiết các ngành hàng cho thấy, trong 10 tháng năm 2022, các nhóm hàng chủ lực vẫn giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Đơn cử, nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp khoảng 269,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Trong nhóm này, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, như: phân bón các loại tăng 153%; hóa chất, tăng 40,8%; sản phẩm hóa chất tăng 31,2%; Hàng dệt và may mặc tăng 22%; Giầy, dép các loại tăng 41%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 35%...
Ngoài ra, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản cũng đạt khoảng 25,8 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.
Riêng nhóm này, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng đạt mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp khoảng 269,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung |
Theo đại diện Bộ Công Thương, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giữ mức tăng trưởng cao, trong đó thị trường Trung Quốc ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.
Tại thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn từ các tác động của đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất sau 10 tháng năm nay.
Hỗ trợ doanh nghiệp để tăng tốc chặng về đích
Để tiếp tục đạt được các mục tiêu xuất khẩu cao, trong bối cảnh một số thị trường lớn của ta như EU, Hoa Kỳ bị thu hẹp, nhu cầu giảm, Bộ Công Thương xác định, thời gian tới cần tập trung các giải pháp như hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống
Đồng thời, tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Bên cạnh các giải pháp về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp về xuất nhập khẩu, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề nghị các tham tán thương mại cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.
“Thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam,” ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, khôi phục sản xuất - kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất.
Cùng với đó, tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.