Chùa Hồ Thiên tọa lạc ở độ cao từ 500m - 800m so với mực nước biển. Chùa có tên chữ là Trù Phong, được xây dựng trên núi Trù Phong thuộc dãy Yên Tử, nằm giữa Long Động (tức là chùa Lân) và Ngọa Vân.
.Theo tư liệu cho thấy, chùa Hồ Thiên được xây dựng vào thời Trần, là nơi đăng dàn thuyết pháp của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, sau khi pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông vào thế kỉ XIV, ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình với quy mô đồ sộ như khu chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp… để làm nơi truyền giảng đạo. Đến thời Hậu Lê, chùa Hồ Thiên đổ nát và được triều đình trùng tu lại nguyên trạng.
Chùa Hồ Thiên, trải qua nhiều thế kỷ, đến nay Di tích Chùa Hồ Thiên đã xuống cấp nghiêm trọng song những di vật vô cùng quý hiếm như: Tháp đá, chân tảng có trang trí hoa sen thời Trần, bia đá thời Lê, vật kiến trúc… vẫn hiện diện để minh chứng cho cho một thời Lê rực rỡ của văn hóa Đại Việt ở thế kỷ XIV.
Các công trình trong chùa Hồ Thiên gồm:
Khu chùa chính: Được xây trên khu vực mặt bằng khá rộng và trên độ cao 580m so với mực nước biển, riêng chùa chính diện tích mặt bằng đã khoảng hơn 700m2. Chùa có hình dạng chữ Công (工), cấu trúc gồm 3 công trình kết nối nhau: Tiền Đường, Thiêu Hương và Thượng Điện.
Khu vườn tháp: Nằm trên sườn núi cao phía sau ở phía Bắc chùa Hồ Thiên - Đông Triều hiện vẫn còn dấu vết của 6 ngôi tháp, trong đó có 1 tháp còn tương đối nguyên vẹn, 1 tháp đã bị đổ mới được dựng lại và số còn lại thì đã bị sập. Trong đó 2 ngôi tháp đá ký hiệu là tháp số 1 và tháp số 6 đều mang vết tích từ thời nhà Trần.
Khu nhà tăng: Nơi mà người tu hành (nhà chùa) và phật tử sống, sinh hoạt và tu học. Khu vực nhà tăng rộng khoảng 400m2, tọa lạc ngay phía Đông chùa và nằm trên khu đất tương đối bằng phẳng, thấp hơn nền chùa khoảng 1.5m và nhìn về hướng Nam, tựa lưng núi ở phía Bắc.
Khu nhà tổ: Nằm ở phía Bắc nhà tăng của chùa Hồ Thiên - Đông Triều, cao hơn nhà tăng khoảng 6m và tiếp nối với khu vườn tháp phía Đông. Khuôn viên nơi đây rộng khoảng 180m2 và còn dấu tích một mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật có diện tích khoảng 130m2.
Các đợt khảo cổ cũng khai quật được 2 pho tượng bằng đá nguyên khối, gồm 2 phần thân tượng và bệ tượng. Cụ thể pho tượng thứ nhất được tạc theo thế tọa thiền trên đài sen, khoác áo cà sa, dải áo phần ngang ngực có đính một khuy cài hình nơ - đặc trưng của phái Trúc Lâm, tay trái cầm tràng hạt, hai bàn tay úp lên nhau, úp vào lòng, giữa ngực có chữ vạn. Tượng đã mất phần đầu và bệ sen, hiện kích thước chỉ còn cao 32cm, rộng vai 23cm, rộng phần đầu gối 34cm.
Khu nhà bia: Nằm cách khu vực trung tâm khoảng 150m về phía Đông, từ năm 2005 – 2010 đây là khu chùa chính và là nơi sinh hoạt của chùa Hồ Thiên - Đông Triều. Nhà bia được xây bằng đá xanh, ghép từ 6 tấm đá, mỗi tấm cao 1,97m và rộng 0,55m. Đặc biệt trên mỗi tấm đá ghép tường mặt sau đều được khắc nổi một chữ Phạn trong khung hình chữ thập, nội dung là một câu thần chú của Mật Tông được gọi là “Chú lục tự đại minh“, âm đọc của nó là OM MANI PADME HUM.
Sự xuất hiện của câu thần chú Mật Tông ở nhà bia và bệ hoa sen khắc bát quái cùng 28 vì sao đã cho thấy tính hòa quyện tông phái và yếu tố giao thoa giữa Phật, Đạo và Nho giáo vào thế kỷ XVIII, ngoài ta cũng thể hiện tính nhập thế và tính thích ứng của Thiền tông Trúc Lâm.
Khu Tịnh thất: Ở chùa Hồ Thiên - Đông Triều đây là nơi các nhà sư tọa thiền, Hồ Thiên tịnh thất dành riêng cho các vị cao tăng luyện thiền. Khu tịnh thất nằm ở ngọn núi sau chùa, hiện đã phát hiện có 3 thất (am), trong đó tịnh thất Hàm Long nằm ở vị trí cao nhất và cũng là tịnh thất có quy mô lớn nhất.