Chùa Phúc Khánh
Vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, chùa Phúc Khánh tổ chức lễ dâng sao giải hạn |
Chùa Phúc Khánh là ngôi chùa đông đúc nhất Hà Nội mỗi dịp rằm tháng Giêng. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Sở, hay chùa Thịnh Quang. Chùa là nơi nổi tiếng linh thiêng nên hàng năm người dân tụ tập về đây lễ bái, lễ Phật, cầu bình an, cúng sao giải hạn, cầu siêu rất đông.
Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Chùa mang đậm giá trị tín ngưỡng Bắc tông, chùa vừa thờ Phật cũng như Thánh Mẫu và các bậc cao nhân đã tạo thêm công đức vô lượng cho chùa.
Tuy nhiên nếu muốn đến chùa Phúc Khánh phật tử nên tới sớm, bởi ngày rằm tháng Giêng hàng năm chùa rất đông. Thậm chí khuôn viên chùa không đủ sức chứa, phật tử và người hành lễ đứng tràn ra cả cầu vượt Ngã Tư Sở, gây tình trạng ách tách.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tới chùa trước hoặc sau ngày rằm tháng Giêng bởi đi bái Phật quan trọng nhất là sự thành tâm chứ không phải thời điểm.
Địa chỉ: 382 phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc là một trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới |
Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, chùa từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần với những giá trị về lịch sử và kiến trúc.
Chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Vào ngày rằm, đặc biệt là rằm tháng Giêng, người dân đổ về đây để cầu lộc, cầu sức khỏe, và bình an rất đông.
Không chỉ có kiến trúc cổ kính, chùa nằm trên con đường Thanh Niên – được coi là con đường đẹp nhất Hà Nội với 2 phía là hồ. Bởi thế, chùa Trấn Quốc được ví như 1 hòn đảo nhỏ – 1 mình 1 lãnh địa uy nghi. Chùa Hà Nội này không chỉ là nơi thờ cúng, lễ bái thông thường mà còn xuất hiện trên truyền thông quốc tế như một địa chỉ du lịch nổi tiếng, với danh xưng 1 trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới.
Địa chỉ: 46 Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội
Chùa Hà
Chùa Hà là nơi cầu tinh duyên linh thiêng tại Hà Nội |
Nếu như các chùa khác tập trung nhiều người có gia đình, trung niên tới cầu bình an, tài lộc thì chùa Hà là điểm đến của thanh niên. Bởi lẽ đây là ngôi chùa cầu duyên được coi là linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Chùa Hà được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), nổi tiếng là linh thiêng nên chùa thu hút rất đông khách thập phương đến tham quan, lễ Phật. Trai chưa vợ, gái chưa chồng đến sắp lễ xin tìm được một nửa của mình. Những đôi yêu nhau cũng đến chắp tay thành kính cầu cho tình duyên trăm năm hạnh phúc.
Địa chỉ: 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ là nơi thờ Chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử |
Không chỉ ngày rằm tháng Giêng, vào những ngày rằm trong năm, phủ Tây Hồ cũng luôn đông kín người tới hành lễ, cúng bái. Phủ được coi là nơi rất linh thiêng trong việc cầu tài lộc, bởi vậy những người kinh doanh, buôn bán tới đây vào ngày rằm rất đông.
Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh. Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Chúa Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu), là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam.
Các công trình kiến trúc của Phủ Tây Hồ, bao gồm cổng làm kiểu tam quan, kiến trúc chính 3 nếp (Tam tòa thánh mẫu); Phủ chính có quy mô lớn nhất. Mặt trước có cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi “Tây Hồ hiển tích”, được trang trí tỉ mỉ, công phu. Bốn cánh cửa giữa phần trên chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh, giữa chạm đào thọ.
Qua tam quan là phương đình 2 tầng, 8 mái. Nhà tiền tế, hậu cung xây sát sau phương đình; Kế đến là Điện Sơn Trang 3 tầng, 8 mái cong, lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang chiếm 3 gian; khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu...
Địa chỉ: 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ