Chùa Thiên Mụ ở đâu?
Chùa Thiên Mụ hay còn được biết đến với cái tên khác là chùa Linh Mụ. Nằm bên dòng sông Hương uốn mình uyển chuyển, kiến trúc cổ kính của chùa Thiên mụ càng làm tăng thêm nét duyên dáng cho khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của nơi này. Tiếng chuông Thiên Mụ vang vọng bên dòng sông Hương, gieo nhớ thương trong lòng người dân và du khách khi đến với mảnh đất cố đô.
Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê, đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Kim Long, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 5km về phía Tây. Phía chính diện là dòng sông Hương thơ mộng, sau lưng là ngọn đồi xanh mướt. Với không gian non nước hữu tình này, chùa Thiên Mụ đã xuất hiện trong ca dao, tục ngữ Việt Nam và là nguồn cảm hứng của biết bao tác phẩm thi ca, hội họa. Trở thành điểm dừng chân không thể thiếu của du khách mỗi khi tới Huế.
Chùa Thiên Mụ |
Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên tại Thành phố Huế
Nhắc đến chùa Thiên Mụ, nhiều người biết đến đây là ngôi chùa với lịch sử hơn 400 năm tuổi. Nhưng ít ai biết được cụ thể nó có từ khi nào và lịch sử hình thành ra sao cùng những sự tích chùa Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên tại Huế. Tương truyền rằng, chúa Nguyễn Hoàng trong một lần đến làng Thượng Hòa, tỉnh Quảng Nam đã đích thân vào xem xét địa thế để dựng cơ đồ cho dòng họ Nguyễn.
Trong một chuyến cưỡi ngựa dọc con sông Hương lên đến đầu nguồn, chúa Nguyễn Hoàng bắt gặp một ngọn đồi nhỏ bên sông Hương và đặt tên là Hà Khê. Nhận thấy thế đất như giống như con rồng quay đầu lại, năm 1601, ông quyết định cho xây dựng một ngôi đền trên ngọn đồi, hướng ra sông Hương và đặt tên là Thiên Mụ. Đến năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần xin trùng tu lại chùa, quy mô kiến trúc nhỏ.
Sau đó, đến năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông đồng đặt tên là Đại Hồng Chung. Chuông nặng 3285 cân, cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m, hình dáng cân đối, hoa văn trên thân chuông được chạm trổ tinh xảo với các hình ảnh biểu tượng của cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn, vẹn toàn trí tuệ Phật pháp.
Tiếng chuông từ ngôi chùa đã mang lại sự bình yên trong lòng người dân sứ Huế. Đến năm 1714, chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp tục thực hiện một đợt trùng tu lớn, cho xây dựng thêm nhiều công trình nguy nga bao gồm Cổng Tam Quan, Thiên Vương, Ngọc Hoàng, Thập Vương, Tàng Kinh,
Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây dựng tháp Từ Nhãn (sau này đổi tên thành tháp Phước Duyên) bằng gạch và từng lầu sẽ thờ một tượng phật. Nhà vua cũng cho xây dựng đền Hương Nguyện, trước tháp có 3 gian. Hai bên dựng hai nhà bia ghi các kiến trúc Phước Duyên Hương Nguyện và nhiều bài thơ của vua Thiệu Trị. Đầu thế kỷ 20, trận bão Giáp Thìn (1904) đã làm hư hại nặng nề chùa.
Vào năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, nhà vua đã đổi tên chùa từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” để mong có con nối dõi tông đường (chữ “Thiên” nghĩa là trời, vua sợ phạm đến trời sẽ là điều không lành). Mãi đến năm 1896, vua Tự Đức mới cho dùng lại tên “Thiên Mụ” như trước.
Khám phá các kiến trúc chùa Thiên Mụ
Bất kỳ góc nào trong “bức tranh” Thiên Mụ cũng cho thấy chất thơ, chất thi vị khiến bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hãy cùng chúng t khám phá những nét đặc sắc trong kiến trúc và phong cảnh hữu tình nơi đây nhé!
Điện Đại Hùng
Điện Đại Hùng |
Điện Đại Hùng chùa Thiên Mụ là một công trình kiến trúc nguy nga nằm ngay ở chính điện khi vào chùa. Trong đợt trùng tu năm 1975, toàn bộ cột, kèo, rường, bệ… đều đã được xây lại bằng bê tông và phủ một lớp sơn giả gỗ mang lại cảm giác gần gũi, thân quen.
Điện Đại Hùng là nơi thờ cúng Phật Di Lặc – vị phật mang niềm vui vô tư vô lo. Người ta nói rằng, Phật Di Lặc với dáng vẻ hiền hòa, có đôi tai to để nghe nỗi khổ của thế gian, chiếc bụng lớn chứa đựng sự bao dung độ lượng thế gian và một nụ cười nhân hậu.
Ngoài tượng Phật Di Lặc, điện Đại Dùng còn là nơi lưu giữ bức đại tự có niên đại từ năm 1974 và một chiếc chuông hình nhật nguyệt bằng đồng vô cùng tinh tế. Đi sâu vào bên trong là đền thờ, ở trung tâm là tượng Tam Thế Phật, bên trái là Văn Phú Bồ Tát và bên phải là Phố Hiến.
Đi dọc theo con đường ra phía sau vườn có phòng trưng bày ảnh và chiếc xe của Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để phản đối chế độ đàn áp Phật giáo vào năm 1963. Tiếp đến là nơi chôn cất của Pháp sư Thích Đôn Hậu – Trụ trì của chùa.
Tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ
Tháp Phước Duyên điểm check-in không thể bỏ qua |
Tháp Phước Duyên đến nay đã trở thành biểu tượng nổi tiếng và là điểm check-in không thể bỏ qua khi đến du lịch tại chùa Thiên Mụ. Công trình này được xây dựng vào năm 1984 bởi vua Thiệu Trị. Ban đầu lấy tên là Từ Nhân Tháp, sau đó đổi tên như hiện tại.
Lúc bấy giờ, để hoàn thành tháp, các nguyên liệu từ đất sét, đá thanh và gốm bát tràng đều phải chuyển từ ngoài vào. Phần thân tháp được xây bằng gạch mộc, phần bó vỉa xây bằng đá thanh. Tất cả kết hợp tạo thành một khối tháp hình bát giác, càng lên cao càng nhỏ. Tháp có chiều cao 21m và gồm 7 tầng. Mỗi tầng đều thờ tượng Phật. Bên trong có một cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng cao nhất, nơi có bức tượng Phật bằng vàng trước đây.
Phía trước là đền Hương Nguyên. Trận bão năm 1904 đã phá hủy nặng nền nhiều công trình kiến trúc trong chùa, trong đó, đền Hương Nguyên bị sập hoàn toàn (nay vẫn còn dấu tích). Đến năm 1907, vua Thành thái đã cho xây dựng lại ngôi đền nhưng không còn giữ được hình dáng to lớn như ban đầu. Hai bên tháp có 2 hình tứ giác, đặt 2 tấm bia Thiệu Trị. Sâu bên trong còn có hai ngôi nhà hình lục giác, nhà bia và gác chuông thờ chúa Nguyễn Phúc Chu.
Tháp Phước Duyên được ví như “linh hồn” của chùa Thiên Mụ. Kiến trúc này kết hợp với các công trình khác đã tạo thành một tổ hợp gắn kết, mang nét độc đáo, khác lạ nhưng vẫn đậm chất Huế mộng mơ.
Khu mộ tháp cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu
Khu mộ tháp cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu |
Hòa thượng Thích Đôn Hậu là vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ. Ông đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho công cuộc phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Không chỉ vậy, ông còn được người dân kính trọng nhờ vô số những hoạt động công ích, giúp người. Khi viên tịch, người dân và cai quản chùa đã chôn cất Hòa thượng dưới tòa tháp nằm ở cuối khuôn viên để bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn kính.
Điện Địa Tạng
Điện Địa Tạng |
Điện Địa Tạng nằm ngay sau Điện Đại Hùng. Quang cảnh nơi đây sẽ mang đến cho bạn sự bình yên và tĩnh lặng. Ghé thăm Điện Địa Tạng bạn đừng quên bày tỏ lòng tôn kính với các bị đức Phật thờ tại nơi đây.
Với phía trước là khoảng sân rộng lớn, cỏ cây và hồ nước xanh mát. Đây chắc chắn sẽ là điểm dừng chân thú vị trong chuyến khám phá chùa Thiên Mụ mà bạn không thể bỏ qua.
Cổng Tam Quan
Cổng Tam Quan |
Cổng Tam Quan chùa Thiên Mụ là điểm đầu tiên bạn đi qua khi bước chân vào chùa Thiên Mụ. Cổng có 3 lối đi, tượng trưng cho 3 giới: Nhân – Quỷ – Thần. Cổng Tam Quan được thiết kế với 2 tầng và 8 mái. Tầng 2 của cổng giữa có thờ Phật. Trên đỉnh mái được trạm trổ nhiều hoa văn vô cùng độc đáo. Hai bên lối đi được trấn giữ bằng tượng Hộ Pháp.
Xe cổ Austin Westminster
Chiếc xe nhãn hiệu Austin Westminster đã đưa tiễn Hòa thượng Thích Quảng Đức |
Trong chùa Thiên Mụ có một chiếc ô tô cổ được gìn giữ cẩn thận. Chiếc xe nhãn hiệu Austin Westminster đã đưa tiễn Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu mình và ngày 11/6/1963 để chống lại chính quyền Diệm.
Năm 1963, bầu không khí chính trị của miền Nam dưới thời Chính phủ Ngô Đình Diệm không còn lối thoát cho hòa bình. Tiếng súng nổ, lửa cháy bốc lên khắp nơi để đàn áp cộng sản và giới Phật giáo. Không cam lòng trước cảnh Phật tử bị đàn áp trong vũng máu, Hòa thượng Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Ấn Quang đã quyết định tự thiêu để phản đối hành động tàn bạo của Chính phủ Diệm.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, chiếc ô tô Austin Westminster đã trở nên cũ kỹ và hoen gỉ. Tuy nhiên, chiếc xe mang biển số DBA 599 vẫn sẽ sống mãi với sự kiện hào hùng của vị Hòa thượng yêu nước Thích Quảng Đức.
Kinh nghiệm tham quan chùa Thiên Mụ
Các phương tiện để di chuyển đến chùa Thiên Mụ
Với vị trí chỉ cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km, đường đi bằng phẳng, vì vậy có rất nhiều phương tiện di chuyển mà bạn có thể sử dụng để đến chùa Thiên Mụ.
Xe máy: Các địa điểm du lịch ở Huế cách nhau không quá xa. Nếu di chuyển bằng xe máy, bạn sẽ chủ động hơn về các điểm đến cũng như thời gian. Theo đó, bạn có thể thuê xe máy theo ngày, với giá thuê dao động từ 80.000 – 150.000 VNĐ/ngày. Sau khi khám phá xong chùa Thiên Mụ vạn có thể vi vu thăm thú thêm nhiều địa điểm khác mà không tốn thêm chi phí đi lại.
Taxi: Di chuyển tới chùa Thiên Mụ bằng taxi cũng là một ý tưởng không tồi. Vừa rẻ lại vừa có thể tiết kiệm thời gian tìm đường. Tuy nhiên, trước khi đặt xe, bạn nhớ tham khảo bảng giá để tránh bị “chặt chém” nhé.
Xe ôm: Không khó để bạn có thể gọi xe ôm tự phát của người dân hoặc xe ôm công nghệ để đến chùa Thiên Mụ. Giá cả vừa hợp lý mà cũng không mất quá nhiều thời gian chờ đợi.
Ngoài những phương tiện di chuyển kể trên, du khách cũng có thể lựa chọn các tour di chuyển bằng tàu ngắm cảnh sông Hương. Tàu sẽ xuất phát từ cầu Tràng Tiền, qua các điểm tham quan nổi tiếng và dừng chân tại chùa Thiên Mụ trong một khoảng thời gian.
Các phương tiện để di chuyển đến chùa Thiên Mụ |
Giá vé và giờ mở cửa của chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ mở cửa cả ngày nên bạn có thể thoải mái tham quan. Nếu muốn tận hưởng không gian yên tĩnh và chụp được những bức ảnh đẹp của chùa thì 06h00 – 08h00 là một khung giờ đẹp, ít các đoàn khách tham quan đông đúc. Còn nếu bạn muốn ngắm nhìn hoàng hôn lãng mạn bên bờ sông Hương êm đềm thì có thể tham khảo khung giờ từ 17h00 – 18h00 chiều.
Về giá vé tham quan chùa Thiên Mụ là hoàn toàn miễn phí.
Những lưu ý khi tham quan chùa Thiên Mụ
Để chuyến tham quan chùa Thiên Mụ của bạn thêm phần trọn vẹn, đừng quên những lưu ý dưới đây nhé:
Trang phục: Khi đến tham quan chùa Thiên Mụ hay bất kỳ ngôi chùa nào, bạn cũng nên chú ý mặc trang phục lịch sự, kín đáo. Không nên mặc váy ngắn hoặc những bộ quần áo bó sát, phản cảm.
Lời ăn tiếng nói: Với không gian trang nghiêm, linh thiêng, một vài tiếng cười đùa lớn sẽ khiến bạn thật lố bịch trong mắt những du khách khác. Do đó, hãy cố gắng giữ trật tự, đi nhẹ, nói khẽ, không chen lấn xô đẩy để đảm bảo sự tôn nghiêm nơi cửa phật.
Vì quá trình tham quan khá lâu và phải đi bộ di chuyển khá nhiều, vì vậy bạn nên mang theo nước uống và một số đồ ăn nhẹ để bổ sung năng lượng khi mệt. Hãy nhớ bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt lung tung để giữ gìn cảnh quan chùa.
Nếu đi vào mùa hè, bạn nên chuẩn bị mũ rộng vành, ô che nắng, kính râm để bảo vệ làn da của mình khỏi cái nắng gay gắt của miền Trung.
Trong chùa có nhiều gian hàng bày bán các món đồ lưu niệm của Huế như nón lá, trang sức, thiệp nổi,… Bạn có thể tham khảo nếu có nhu cầu mua về làm quà cho người thân, hãy lựa chọn và trả giá sao cho hợp lý nhất.