Ngày rằm tháng Giêng là ngày rằm quan trọng nhất trong năm theo quan niệm của người Việt Nam. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị những mâm cúng tươm tất để tỏ lòng thành kính, dâng lên tổ tiên với mong cầu một năm mới suôn sẻ, may mắn. Chẳng thế mà các cụ có câu “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”.
Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ với các món ngon khác nhau để cúng bái chư vị thần linh, gia tiên. Tuy nhiên, có một số món ăn cơ bản, không thể thiếu trên mâm cỗ nên lưu ý. Mâm cỗ được từng gia đình chuẩn bị theo điều kiện kinh tế, không cần quá cầu kỳ nhưng vẫn thường đảm bảo các món cơ bản. Các gia đình có thể lựa chọn ăn Rằm và ngày 14/1 hoặc 15/1 âm lịch.
![]() |
Cúng rằm tháng Giêng rất quan trọng trong văn hoá tín ngưỡng của Việt Nam |
Mâm cơm cúng ngày rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các vị trong ẩm thực. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh. Đối với mâm cỗ cúng Phật thì chuẩn bị mâm cỗ chay còn mâm cỗ gia tiên là cỗ mặn.
Mâm cỗ cúng Phật
Hoa quả, xôi chè, rau xào chay nêm ít gia vị, canh nấm hoặc rau củ quả xào chay, các món đậu. Nhiều gia đình có thể thêm bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong một năm trôi chảy, thuận hòa. Lễ vật cúng Phật bao gồm: Hương, hoa, đèn, nến.
Mâm cỗ chay thường giao động từ 9 – 25 món khác nhau. Số lượng món ăn thường được chuẩn bị theo số lẻ, biểu tượng cho dương, còn số chẵn biểu tượng cho âm – thường được cho là kém may mắn.
Các món ăn phải có màu sắc phong phú, đẹp mắt. Thông thường, gia chủ sẽ lựa chọn màu sắc sao cho hợp mệnh, tương ứng với ngũ hành của gia chủ. Màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, màu xanh là hành Mộc, màu trắng là hành Kim, màu đen là hành Thủy và màu vàng thể hiện cho hành Thổ.
![]() |
Mâm cỗ cúng Phật là các món chay, không thể thiếu các loại chè |
Mâm cỗ cúng gia tiên
Mâm cỗ cúng gia tiên thường không thể thiếu thịt gà, gà phải để nguyên con để tỏ lòng thành kính. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình thay thế thịt gà bằng thịt lợn. Bên cạnh đó cũng cần xôi gấc, xôi gấc màu đỏ mang đến sự may mắn.
Mâm cỗ mặn bao gồm: 1 con gà hoặc có thể dùng 5 lạng thịt vai luộc, một bát canh măng, một đĩa xào thập cẩm, một đĩa nem, một đĩa rau xào, một đĩa giò, một đĩa xôi gấc, hoa quả, các vật phẩm khác như: hương, hoa đèn nến, trầu cau, rượu.
![]() |
Gà được cho là vật tế lễ linh thiêng nhất |
Nên cúng giờ nào?
Ngoài hai ngày 14 và 15 âm lịch, không nên cúng rằm tháng Giêng 2023 vào ngày khác, vừa không được ngày lại dễ mất linh. Bên cạnh đó, khung giờ cúng rằm tháng Giêng tốt nhất là giờ Ngọ (11h-13h). Bởi đây là thời điểm thần Phật giáng thế, nghiệm chứng cho lòng thành của gia chủ và ban phát điều lành cho chúng sinh. Tiến hành cúng rằm tháng Giêng 2023 tốt nhất là vào thời điểm từ sáng sớm ngày 14/1 âm lịch đến trước 19h ngày 15/1 âm lịch.
Ngày chính Rằm (15 tháng Giêng), khung giờ tốt gồm: Đinh Mão (5h-7h): Giờ Ngọc Đường hoàng đạo, Canh Ngọ (11h-13h): Giờ Tư Mệnh hoàng đạo, Nhâm Thân (15h-17h): Giờ Thanh Long hoàng đạo, Quý Dậu (17h-19h): Giờ Minh Đường hoàng đạo.
Ngày 14 tháng Giêng, khung giờ tốt gồm: Bính Thìn (7h-9h): Tư Mệnh hoàng đạo, Mậu Ngọ (11h-13h): Thanh Long hoàng đạo, Kỷ Mùi (13h-15h): Minh Đường hoàng đạo, Nhâm Tuất (19h-21h): Kim Quỹ hoàng đạo.