![]() |
Rằm tháng Giêng còn có một số tên gọi khác như lễ Thượng nguyên, Tết treo đèn, Tết Nguyên tịch, Tết Nguyên tiêu…
TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho biết người Việt trước đây sóng phụ thuộc vào nông nghiệp nên đời sống gắn liền với trời, đất và nước. Vì vậy, người dân coi trọng 3 ngày: rằm tháng giêng - thiên quan tấn phước, rằm tháng bảy - địa quan xá tội và rằm tháng 10 - thủy quan giải ách.
Theo đó, rằm tháng giêng là rằm đầu tiên của năm mới. Vào dịp này, người dân thường cúng đầu năm để mong một năm mới với nhiều điều may mắn, phước lành, mưa thuận gió hòa.
"Người Việt xưa gắn với nông nghiệp nên mưa thuận gió hòa rất quan trọng, người Việt lại coi trọng cái ban đầu, quan niệm rằng "đầu xuôi đuôi lọt" nên thường câu nói Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng được lưu truyền", TS Dương Hoàng Lộc giải thích.
Nên cúng vào ngày chính rằm
Rằm tháng Giêng diễn ra từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) đến hết ngày 15 (đêm trăng rằm) của tháng Giêng âm lịch. Năm 2025, Rằm tháng Giêng sẽ diễn ra vào ngày thứ Tư, tức ngày 12/2/2025 (Dương lịch).
Rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Đây là dịp để các gia đình tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong bình an, may mắn cho năm mới.
Nhiều gia đình vì bận rộn hoặc vì lý do cá nhân nên thường cúng Rằm tháng Giêng sớm, trước ngày 15 âm lịch.
Theo các chuyên gia phong thủy, với nhịp sống hiện đại, đây là lựa chọn phù hợp, tuy nhiên gia đình nên sắp xếp cúng vào đúng ngày chính rằm, tức ngày 15/1 âm lịch vẫn là tốt nhất. Và cúng vào giờ Ngọ (11h-13h) được xem là giờ chuẩn để thực hiện lễ cúng.
Cần chuẩn bị gì khi cúng Rằm tháng Giêng 2025?
Khi thực hiện nghi thức cúng Rằm tháng Giêng 2025 thì nên chuẩn bị như sau:
![]() |
Mâm cúng chay. |
Lau dọn, dọn dẹp bàn thờ
Vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm, các gia đình thường lau dọn bàn thờ. Lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin Thần linh Thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng.
Trang phục khi cúng Rằm tháng Giêng
Khi cúng Rằm tháng Giêng 2025 cần ăn mặc chỉnh tề, lịch sự khi thắp hương. Không nên mặc quần áo hở hang, rách khi thắp hương.
Chọn nhang hương
Khi chọn nhang hương cúng Rằm tháng Giêng 2025 thì nên chọn loại hương có mùi thơm nhẹ nhàng và loại hương đảm bảo an toàn chất lượng hương không bị ẩm dễ tắt hương khi đang thắp.
Chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng Giêng
Ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình thường sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên. Tham khảo mâm cúng Rằm tháng Giêng 2025 như sau:
- Mâm cúng gia tiên gồm:
+ Hương hoa: Nhang, đèn, hoa tươi.
+ Trái cây ngũ quả: Chọn 5 loại quả tươi ngon, có màu sắc đẹp.
+ Xôi chè: Xôi gấc, xôi đậu xanh, chè kho, chè đậu.
+ Bánh: Bánh chưng, bánh giầy, bánh kẹo.
+ Mâm cỗ mặn (tùy theo phong tục từng gia đình):
+ Gà luộc hoặc thịt heo.
+ Giò chả.
+ Canh măng, canh bóng, hoặc canh miến.
+ Cơm trắng.
+ Rau củ xào.
+ Rượu, trà, nước: Để dâng lên tổ tiên.
+ Vàng mã: nếu gia đình có tục đốt vàng mã. Lưu ý không nên đốt quá nhiều vàng mã.
- Mâm cúng Phật (với gia đình theo đạo Phật), gồm có:
+ Hoa tươi: Hoa cúc, hoa huệ, hoa lay ơn (màu vàng hoặc trắng).
+ Trái cây ngũ quả: Chuối, bưởi, táo, lê, nho (tùy vùng miền có thể chọn loại quả khác).
+ Xôi chè: Xôi gấc, xôi đậu xanh hoặc chè trôi nước.
+ Bánh: Bánh chưng, bánh giầy, hoặc các loại bánh kẹo khác.
+ Nước trắng hoặc trà: Để dâng lên bàn thờ.
- Mâm cúng Thổ Công, Thổ Địa:
Giống với mâm cúng gia tiên nhưng có thể thêm muối gạo, thuốc lá.
Mâm cúng Rằm tháng Giêng 2025 có thể đơn giản hoặc phong phú tùy theo điều kiện về kinh tế, nhu cầu của gia đình.