![]() |
Xôi ngũ sắc, đặc sản của người Tày |
Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng không thể thiếu của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Tày, trong các dịp lễ tết, hội hè... Xôi thường có 5 màu nên người ta gọi chung là “xôi ngũ sắc”.
Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc độc đáo. Những hạt xôi thơm dẻo được đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng. Màu xôi đẹp tự nhiên và hấp dẫn, 5 màu chính của xôi là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng.
Trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Những loại lá và củ cây này đều dễ tìm trong rừng, hoặc trong vườn nhà. Mỗi vùng, mỗi dân tộc có một cách làm riêng. Như màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, cây thành ngạnh khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau...
Xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là màu của kim, xanh là màu của mộc, đen là màu của thuỷ, đỏ là màu của hỏa, màu vàng là màu của thổ. Người ta quan niệm rằng sự tồn tại của 5 chất này làm nên sự tươi tốt của Thiên - Địa - Nhân.
Người xưa quan niệm ngày lễ, tết được ăn xôi năm màu sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành.
![]() |
Công đoạn nhuộm màu cho xôi |
Xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Khẩu cắm lanh là cơm xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng. Khẩu cắm lăm là cơm xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Khẩu cắm hương là cơm xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ. Khẩu khiêu là cơm xôi màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Khẩu nón là cơm xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thuỷ chung.
Để có xôi ngon, thơm dẻo người làm nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi. Nguyên liệu để nấu xôi phải là gạo nếp Tú Lệ hạt to, trong, một loại nếp thơm ngon và nổi tiếng nhất vùng. Bốn loại lá rừng dùng để nhuộm các màu xanh - đỏ - tím - vàng được người dân lựa chọn kỹ lưỡng, lá không được quá non hay quá già. Sau đó rửa sạch nấu với nước lấy từ suối nguồn ở xã Tú Lệ. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt để ráo nước. Gạo ráo nước sẽ được đồ trong chõ xôi truyền thống của đồng bào gọi là Mỏ Lửng - Tay Lung.
Chõ xôi hình bầu dục bằng thân cây cọ hoặc gỗ thơm được gọt đẽo để thủng hai đầu, đầu trên có nắp đậy, đầu dưới lót bằng phên nứa, mỗi chõ xôi được hơn 1kg gạo. Quá trình đồ xôi lửa phải đều, đượm than. Xôi chín dẻo, thơm đậm, dù nóng hay nguội nắm chặt tay cũng không dính.
Xôi chín được đơm vào đĩa hoặc trình bày theo từng ý tưởng khác nhau với 5 màu xanh - đỏ - tím - vàng - trắng. Năm màu được ghép trên một mâm xôi hình cánh hoa ban thì tượng trưng cho thuyết âm dương Ngũ hành, đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung, lòng yêu mẹ kính cha của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc.
![]() |
Một ngày chị Thanh bán sỉ và bán lẻ hết khoảng 3 tấn xôi ngũ sắc |
Đã làm xôi ngũ sắc 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh - đầu mối bán xôi ngũ sắc và đặc sản Tây Bắc ở Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), thừa nhận, món xôi này rất hút khách, đặc biệt là những ngày lễ, Tết.
“Tôi có cơ sở ở Lào Cai và cả Hà Nội. Dịp cận Tết Quý Mão, khách đặt nhiều nên có ngày tôi bán hết 6 tấn xôi ngũ sắc. Còn những ngày cận Rằm này, con số trên dưới 3 tấn xôi một ngày”, chị Thanh tiết lộ. Theo đó, đa phần xôi được chị đổ sỉ cho đầu mối ở khắp các tỉnh từ miền Bắc vào đến miền Nam, lượng xôi bán cho khách lẻ chỉ chiếm một phần nhỏ.
Chị Thanh cũng cho hay, càng sát ngày Rằm tháng Giêng, xôi ngũ sắc càng đắt khách. Xôi làm đến đâu được đóng túi nhanh chóng đến đó để kịp giao cho khách.
Thế nên, bếp của chị lúc nào cũng phải có hơn 10 lao động làm các công việc, từ ngâm gạo cho đến đóng xôi vào túi. Để đồ được 1 mẻ xôi, cần ngâm gạo 6-8 giờ tuỳ vào thời tiết, đồ trong thời gian 1 giờ xôi chín, sau đó lại chờ nguội trước khi chia trọng lượng 300 gram, 800 gram và 1kg đóng túi hút chân không.
![]() |
Xôi được để nguội trước khi đóng túi hút chân không |
Giá bán xôi tuỳ vào khách lấy sỉ hay lẻ. Chị đang bán lẻ cho khách với giá 110.000 đồng/kg, giá sỉ ở mức 69.000 đồng/kg.
“Ngày thường cả bán buôn và bán lẻ hết khoảng 1 tấn xôi. Còn ngày lễ thì số lượng xôi ngũ sắc bán ra gấp 3-4 lần”, chị cho hay”.
Trên thị trường, xôi ngũ sắc được rao bán la liệt với giá từ 100.000-130.000 đồng/kg. Mặt hàng này được các bà nội trợ tấp nập mua để chuẩn bị đồ cúng Rằm tháng Giêng. Đây là mặt hàng có sẵn, dễ bảo quản nên phần lớn khách đặt mua đều được giao luôn trong ngày, hoặc ngay ngày hôm sau.