Đi chùa Hà có thật sự linh thiêng như lời đồn?
![]() |
Với không gian thanh tịnh, kiến trúc độc đáo và truyền thuyết về sự linh ứng, chùa Hà đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người. |
Chùa Hà (Thánh Đức tự) nằm ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội là nơi nổi tiếng "linh nghiệm khi cầu duyên". Với không gian thanh tịnh, kiến trúc độc đáo và truyền thuyết về sự linh ứng, chùa Hà đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người.
Về nguồn gốc của chùa Hà, có tới 2 truyền thuyết. Thứ nhất, vào thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Khi ấy mặc dù đã 42 tuổi nhưng nhà vua vẫn chưa có con nên tìm đến một ngôi chùa cầu tự, sau sinh ra Thái tử Càn Đức. Trên đường đi, nhà vua còn ghé một ngôi chùa khác và ban tiền bạc để trùng tu, sau đặt tên là Thánh Đức tự (chùa Hà ngày nay).
Thứ hai, vào thời vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497), nhằm tưởng nhớ công ơn của các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí và Đinh Liệt đã cưu mang, đưa ông lên ngôi vào năm 1460 nên cho xây chùa Hà. Đến năm 1680, chùa vẫn lợp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên dân chúng còn gọi là chùa Vồi. Trải qua bao thăng trầm, Thánh Đức tự đã bị phá hủy nhiều lần. Đến đời vua Lê Hy Tông, được hai lái buôn người làng Thổ Hà nhờ làm ăn phát đạt mà công đức số tiền lớn để cùng người dân tu bổ, xây dựng lại chùa bằng gạch ngói. Từ đó, hai làng Thổ Hà và làng Vòng kết mối tâm giao, đặt tên làng có ngôi chùa là Bối Hà, gọi tên nôm của chùa là chùa Hà.
![]() |
Chẳng tự nhiên mà dân gian lưu truyền câu nói đến chùa Hà “Khi đi lẻ bóng, khi về có đôi”. |
Theo thời gian, chùa Hà được dân gian tin tưởng tìm đến mỗi khi có một ước vọng nào đó mong được thành sự thật, trong đó có cả cầu duyên. Trải qua cả nghìn năm lịch sử, chuyện cầu được hay không có lẽ phải dựa vào sự chiêm nghiệm của mỗi người, tuy nhiên có một điều chắc chắn, chùa Hà đã là điểm tựa tinh thần của biết bao thế hệ người Việt.
Chẳng tự nhiên mà dân gian lưu truyền câu nói đến chùa Hà “Khi đi lẻ bóng, khi về có đôi”. Hẳn là những lời cầu nguyện, những nén tâm hương đã thành hiện thực nên niềm tin của Phật tử với ngôi chùa này ngày càng mạnh mẽ. Có những người, chẳng hiểu vì “cao số” hay không mà mãi vẫn chưa có ai gõ cửa “vườn hồng”, có người đã chia tay nhưng tình chưa dứt, tìm về lễ chùa để mong “gương vỡ lại lành”.
Người ta cũng kháo nhau rằng, chùa Hà rất hợp với những người độc thân. Cứ như vậy, năm tháng bồi đắp nên sự linh thiêng của chùa Hà và nơi đây trở thành một điểm tựa tâm linh để san sẻ nỗi lòng với những bạn trẻ lận đận trong con đường nhân duyên. Chùa Hà ngày nay thu hút rất nhiều du khách gần xa.
Đặc biệt, chùa Hà thu hút rất đông người đến lễ bái vào mùng 1, ngày rằm các tháng trong năm và đặc biệt đông trước dịp Lễ Tình nhân (14/2) và ngày Thất tịch (7/7 Âm lịch). Người dân đến dâng hương lễ Phật cầu Thánh, xin bình an, xin tài lộc và xin duyên lành.
Cầu sao cho đúng?
![]() |
Khách đến chùa thường chuẩn bị ba mâm lễ gồm vàng hương, trầu cau, bánh kẹo, nến, hoa hồng nhung và sớ. |
Gần đến ngày Lễ Tình nhân, nhiều bạn trẻ rủ nhau đi chùa Hà cầu duyên với mong muốn tìm được một người như ý nguyện. Người trẻ độc thân đến chùa hy vọng lúc về sớm có đôi có cặp. Người trung tuổi lại cầu có bạn sánh đôi bởi tình duyên đến muộn. Khách đến chùa lần đầu, chưa quen lễ nghi sẽ được dịch vụ cung cấp mâm lễ dẫn vào trong, hướng dẫn cách dâng sớ, phát mẫu văn khấn bài bản để "nguyện ước sớm được linh ứng".
Người đến cúng chùa thường chuẩn bị ba mâm lễ gồm vàng hương, trầu cau, bánh kẹo, nến, hoa hồng nhung và sớ. Mâm đầu tiên dâng ban Tam Bảo cầu bình an, tiếp đến dâng ban Đức Ông xin công danh, tài lộc và cuối cùng là ban thờ Mẫu cầu tình duyên. Mức giá mỗi mâm lễ dao động từ 50.000 đến 300.000 đồng tùy thuộc vào số lượng đồ lễ của từng người.
Người dân quanh chùa kể rằng, chùa Hà thiêng lắm, nhưng phải biết cách cầu nguyện, bày biện lễ vật là một chuyện nhưng khởi phát tấm lòng thành, nguyên sơ không tạp niệm mới có thể như ý. Dù là khấn xin bằng tâm thành, nhưng cũng phải hiểu được thứ tự xin lộc trong chùa, đặt lễ ở đâu như thế nào, khấn xin Phật, Thánh ra sao.
Chùa Hà nhiều ban và mỗi nơi lễ lạt cũng có phần khác biệt. Lễ ban Tam bảo phải có hương hoa, nến, bánh kẹo hoa quả tùy tâm, không được có lễ mặn lẫn tiền vàng. Ban này dâng Phật, cũng là nơi cầu bình an, sức khỏe và may mắn. Ban Đức Ông lại nên dâng lễ tiền vàng, chè thuốc, đồ mặn tùy tâm, rượu khi dâng cần mở nắp.
![]() |
Văn khấn cầu duyên tại ban thờ Mẫu được các chủ cửa hàng bán mâm lễ tặng miễn phí cho người độc thân tới chùa. |
Sau cùng, nam thanh nữ tú, ai muốn cầu duyên thì đặt lễ ban Mẫu ở phía sau chính điện có tiền vàng, hoa tươi, trầu cau, bánh kẹo và ít tiền để công đức. Lễ nhiều hay ít là tùy tâm, nhưng phần lễ dâng Mẫu xin duyên không thể thiếu được hoa hồng nhung - loài hoa tượng trưng cho tình yêu.
Dân gian vẫn lưu truyền về chùa Hà không chỉ là ngôi chùa cầu duyên linh thiêng ở Hà Nội, mà đây còn là một ngôi chùa linh thiêng về học hành, thi cử. Vì thế, biết bao người đều tìm đến chùa Hà trong dịp đầu xuân để mọi ước nguyện được viên mãn.
Ông Kiền, người trông coi chùa Hà, cho biết lượng khách đến lễ chùa năm nay tăng hơn so với mọi năm. Hơn 70% khách là giới trẻ. Hầu hết, người trẻ độc thân đến chùa đều hy vọng lúc về sớm có đôi có cặp. Một số người trung tuổi lại cầu có bạn sánh đôi bởi tình duyên đến muộn. Chùa Hà mở cửa từ 5h30 sáng đến 19h hàng ngày. Do số lượng khách đến đông, ban quản lý chùa và UBND phường đã bố trí thêm đội bảo vệ, nhóm chỉ dẫn. Phía bên ngoài cũng lập hai bãi xe miễn phí cho người dân.
Lan Anh (25 tuổi) và Phương Thủy (25 tuổi) ở Mê Linh, Hà Nội đến chùa Hà cầu duyên. Lần đầu đến dâng hương, hai cô gái cùng 22 tuổi chọn một người bán hàng nhiệt tình, xởi lởi làm mâm lễ, viết sớ.
"Tôi nghe bảo chọn người chuẩn bị mâm lễ càng tươi tỉnh, nói chuyện khéo léo, có duyên cũng góp phần khiến tình duyên thuận lợi nên học theo. Văn khấn cầu duyên tại ban thờ Mẫu được các chủ cửa hàng bán mâm lễ tặng miễn phí cho người độc thân tới chùa. Tôi hy vọng thành tâm lễ bái sẽ sớm tìm được người yêu như ý.", Lan An chia sẻ.