Những quốc gia "tẩy chay" lễ tình nhân Valentine
![]() |
Ở một số quốc gia trên thế giới, tổ chức lễ tình nhân được coi là phạm pháp và bị cấm rất nghiêm ngặt. |
Lễ tình nhân 14/2 ngày càng được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cặp đôi nào có ý tưởng đi du lịch để kỉ niệm ngày lễ tình nhân nên lưu ý khi đến các nước dưới đây nhé!
Malaysia: Tất cả những hoạt động liên quan đến ngày lễ tình nhân đều bị ngăn chặn lại Malaysia kể từ năm 2005. Các cặp đôi thậm chí còn bị bắt giam nếu vẫn cố tình thể hiện tình cảm vào ngày này. Nỗi sợ về tình trạng quan hệ sớm trước hôn nhân trở nên phổ biến và ngày lễ tình nhân sẽ tạo ra những tư tưởng chống đối chính quyền là 2 lý do chính khiến Malaysia ra sức “tẩy chay” Valentine.
Iran: Một số người dân Iran phải tổ chức lễ tình nhân trong bí mật khi chính quyền nước này cho rằng Valentine là bất hợp pháp, “phản văn hóa”. Quốc gia Hồi giáo này làm mọi cách ngăn chặn văn hóa phương Tây xâm nhập vào nước mình. Đến cả những biểu tượng của ngày Valentine như trái tim, hoa hồng đỏ… cũng bị Chính phủ Iran cấm hoàn toàn.
Indonesia: Tại Indonesia, ở một số tỉnh, người dân không được phép tặng quà, thể hiện tình cảm vào ngày lễ tình nhân. Người đạo Hồi cho rằng “văn hóa phương Tây” này không phù hợp với tín ngưỡng của họ. Và còn có nguy cơ dẫn đến việc nam nữ “quan hệ” bừa bãi cũng có thể gia tăng. Nhiều người trẻ chắc chắn không hài lòng với quyết định của giới chức trách, vậy nên đã có không ít các cuộc biểu tình đã diễn ra để đòi quyền được tận hưởng ngày lễ tình nhân.
Nhật Bản: Không có đạo luật hay lệnh cấm nào được ban hành chính thức tại Nhật Bản, cũng không phải tất cả người Nhật đều phản đối Valentine. Nhưng cũng khá nhiều người dân ở xứ sở hoa anh đào thấy “ngứa mắt” và bị tổn thương tinh thần với những hành động âu yếm của các cặp đôi nơi công cộng vào ngày này. Đó là lý do khiến một bộ phận người dân ở đây đã tổ chức biểu tình để phản đối ngày lễ tình yêu Valentine.
Nga: Một số tỉnh của Nga ra sức “cấm cửa” Valentine, điển hình là tỉnh Belgorod. Lệnh cấm ngày lễ tình nhân đã được địa phương này ban bố vào năm 2011 vì nhận định rằng Valentine là một trào lưu không lành mạnh, phản đối ngày này cũng là để bảo vệ tinh thần cho người dân.
Ấn Độ: Không ít cặp tình nhân đã bị tấn công, thậm chí còn bị cắt tóc, bôi đen khuôn mặt chỉ vì tổ chức kỷ niệm ngày lễ tình nhân, dù rằng việc này không hề phạm pháp tại Ấn Độ. Các tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ chính là người gây ra những vụ việc trên. Nguyên nhân là bởi nhiều người dân nơi đây không chuộng văn hóa phương Tây, e ngại rằng việc “sính ngoại” sẽ tác động tiêu cực đến nền văn hóa nước nhà.
Pakistan: Để kỷ niệm ngày lễ tình nhân, không ít người dân Pakistan đã phải bỏ ra một món tiền khổng lồ để mua những bông hoa hồng tại chợ đen. Khi tất cả những gì liên quan đến Valentine đều bị nghiêm cấm ở đất nước này. Xuất phát từ việc một công dân nước này kiến nghị cấm ngày 14/2 bởi đây là văn hóa du nhập từ châu Âu, đi ngược giáo lý đạo Hồi. Sau đó, phán quyết của Tòa Án liên quan đến việc cấm ngày lễ tình nhân lần đã đầu được đưa ra tại Pakistan vào năm 2017.
Saudi Arabia (Ả rập Xê út): Các cặp đôi ở Saudi Arabia sẽ bị triệu tập “lên đồn” ngay lập tức nếu như bị phát hiện tặng quà cho nhau vào ngày lễ tình nhân. Tất cả những hàng hóa liên quan đến Valentine như hoa, bánh kẹo, thiệp, những đồ vật màu đỏ… cũng bị cấm bán. Những người theo đạo Hồi ở đất nước này cho rằng, tổ chức ngày lễ tình nhân là sai trái với tín ngưỡng của họ, ngày lễ này còn là cái cớ để để phụ nữ và đàn ông có những mối quan hệ sai trái.
Uzbekistan: Đất nước này bắt đầu bài trừ ngày lễ tình nhân từ năm 2012, Chính quyền Uzbekistan không muốn người trẻ học theo văn hóa, lối sống của phương Tây. Thay vì là ngày lễ tình nhân Valentine, 14/2 đã được đất nước này biến thành “ngày quốc gia ngâm thơ.
Những tập tục kì lạ ngày Valentine
![]() |
Ngày Valentine được kỷ niệm bằng những cách đặc biệt tùy theo văn hóa từng quốc gia. |
Ngoài 1 số quốc gia tổ chức lễ tình nhân được coi là phạm pháp và bị cấm rất nghiêm ngặt thì cũng có rất nhiều quốc gia ngày Valentine được kỷ niệm bằng những cách đặc biệt tùy theo văn hóa từng quốc gia. Dưới đây là những tập tục kì lạ ngày Valentine tại một số quốc gia:
Người Slovenia trở lại công việc đồng áng
Thánh Valentine là một trong những vị thánh của mùa xuân ở Slovenia. Người ta cho rằng, cây cối sẽ đâm chồi nảy lộc trong ngày 14/2, ngày tôn vinh vị thần tình yêu. Thông thường, đây là ngày đầu tiên nông dân Slovenia trở lại công việc đồng áng, thường là những cánh đồng nho và hoa màu.
Theo truyền thuyết, thánh Valentine sẽ giúp rễ cây phát triển trở lại sau mùa đông lạnh giá, thức tỉnh cỏ cây, hoa lá. Trên thực tế, ngày 14/2 không phải ngày tôn vinh tình yêu của người dân Slovenia. Quốc gia này tổ chức ngày Lễ tình nhân vào ngày 12/3, ngày thánh Gregory.
Đàn ông Nhật Bản nhận sô cô la ngày Lễ tình nhân
Ở Nhật Bản, phụ nữ sẽ làm hoặc mua sô cô la để tặng cho người mình yêu trong ngày Lễ tình nhân 14/2. Loại sô cô la được tặng phụ thuộc rất nhiều vào bản chất của mối quan hệ. Giri-choko là loại sô cô la dành tặng ông chủ, đồng nghiệp và bạn trai. Trong tiếng Nhật Bản, Giri là nghĩa vụ. Món quà tặng này không làm người nhận hiểu lầm.
Trong khi đó, Honmei-choko là loại sô cô la đặc biệt, chỉ dành tặng cho người họ thực sự yêu thương. Thông thường, Honmei-choko là loại sô cô la do phụ nữ tự làm. Những người đàn ông may mắn mới được nhận quà tặng này.
Tuy nhiên, một tháng sau ngày Valentine, đàn ông Nhật Bản phải đáp lễ người tặng quà mình những món đồ khác có giá trị gấp ít nhất 3 lần thứ mình được nhận. Quà tặng trong ngày Valentine Trắng 14/3 thường là bánh kẹo, đồ trang sức, quần áo và đồ lót.
Thìa là biểu tượng tình yêu ở xứ Wales
Ngày lễ tình yêu theo phong tục ở công quốc Wales, một trong 4 quốc gia cấu thành Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, là ngày 25/1. Thánh Dwywen là biểu trưng cho tình yêu ở xứ Wales. Câu chuyện tình bi kịch của ông truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Họ tặng nhau bưu thiếp và quà tặng để thể hiện những tình cảm sâu nặng nhất dành cho nhau.
Theo truyền thuyết, Dwywen yêu chàng hoàng tử tên là Maeron. Hoàng tử trẻ tuổi cũng nồng nhiệt đáp lại tình yêu của nàng nhưng vì một lý do nào đó, họ không thể ở bên nhau. Mối tình dang dở khiến Dwywen quẫn trí, cầu xin sự giúp đỡ của các vị thần để chấm dứt mối tình ngang trái. Một thiên thần đáp lại lời thỉnh cầu của Dwywen, đưa cô lọ thuốc xóa ký ức tình yêu và biến Maeron thành băng.
Sau đó, Chúa ban cho Dwywen 3 điều ước. Cô gái xin bề trên giải thoát cho người yêu và xin mình trở thành thần tình yêu. Ở xứ Wales, những người đàn ông sẽ khắc một chiếc thìa gỗ cùng những biểu tượng lãng mạn để tặng cho tình nhân trong ngày thánh Dwywen. Chiếc thìa gỗ cổ nhất có niên đại từ năm 1667, cho thấy nó ra đời trước Valentine đang phổ dụng khắp thế giới.
Sự mê tín dị đoan ở Vương quốc Anh
Một số phụ nữ Anh thường kẹp 4 chiếc lá nguyệt quế vào 4 góc gối vào đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14/2. Bữa tối ngày 13, họ ăn trứng với muối. Người ta tin rằng, đây là cách để họ mơ về người chồng tương lai.
Ngoài ra, một vài người còn viết tên những người mình có cảm tình ra giấy và cho nó vào một quả bóng bằng đất sét và thả vào nước. Họ tin rằng, tờ giấy đầu tiên thoát ra khỏi những cục đất sẽ là người chồng của họ trong tương lai. Dù những tín ngưỡng này khá lạc hậu nhưng một số người Anh vẫn tin vào nó.
Người Hàn Quốc than khóc cuộc sống độc thân
Người Hàn Quốc có ngày Valentine thông thường (14/2), ngày Valentine Trắng (14/3) và Valentine Đen (14/4). Giống như ở Nhật Bản, những cô gái tặng sô cô la cho người mình thích trong ngày 14/2. Nếu người đàn ông chấp nhận tình cảm của người con gái, họ sẽ đáp lễ vào ngày 14/3.
Tuy nhiên, tập tục kì lạ ngày Valentine ở Hàn Quốc là những người không có quà trong ngày 14/2 hoặc không nhận được quà đáp lại ngày 14/3 sẽ cùng than khóc trong ngày 14/4.
Vào ngày Valentine Đen, những người cô đơn sẽ đến một nhà hàng mì đen để than thân trách phận cho cuộc sống độc thân. Trong truyền thống, mì đen giúp những người độc thân vơi đi nỗi buồn. Tuy nhiên ngày nay, người độc thân Hàn Quốc có rất nhiều cách để hưởng thụ cuộc sống độc thân. Họ ăn uống, mua sắm và vui chơi chứ không than thân trách phận như trước.
Người Phần Lan tôn vinh tình bạn
Ở Phần Lan, người ta gọi ngày Valentine là “Ystävänpäivä", nghĩa là Ngày của bạn. Khác với những quốc gia khác trên thế giới, người Phần Lan gửi thiệp và tặng quà nhau để tôn vinh tình bạn trong ngày 14/2. Tuy nhiên, rất nhiều cặp tình nhân chọn đây là ngày cưới.
Người Trung Quốc cầu duyên trong Lễ tình nhân
Người Trung Quốc tôn vinh tình yêu trong ngày 7/7 âm lịch, tức ngày 2/8/2014. Theo truyền thuyết, Thất Tịch (7/7), là ngày Ngưu Lang – Chức Nữ, biểu tượng tình yêu của người Trung Quốc, gặp nhau sau một năm xa cách. Các vị thần chỉ cho họ gặp nhau một năm một lần. Ngày này thường có mưa ngâu.
Với mong ước tìm được tình yêu đích thực, xây dựng hạnh phúc dài lâu, người Trung Quốc thường tới chùa dâng lễ, thắp hương để mong nhận được sự che chở của các vị thần. Ngoài ra, những người độc thân Trung Quốc cũng vào chùa cầu mong sự may mắn trong tình yêu trong ngày này.