Chùa Yên Đông

Tên chùa Yên Đông xuất phát từ tên gọi của làng. Làng An Đông hay Yên Đông có nghĩa là yên ổn, đông vui, đông đúc. Chùa còn có tên chữ là “Pháp Âm Tự” (Phật pháp âm đức).
Chùa Yên Đông là một trong số ít ngôi chùa cổ còn tương đối nguyên vẹn ở Quảng Ninh hiện nay. Theo văn bia để lại thì chùa được dựng khoảng từ năm 1470 đến 1500 bằng thanh tre lá nứa để thờ Phật và đáp ứng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Đến năm 1587 thì được xây dựng lại khang trang.
Chùa Yên Đông có kiến trúc gồm: chùa chính kiểu chữ Đinh, 5 gian bái đường và 3 gian hậu cung, nhà tổ, nhà khách, nhà ni, tam quan, vườn tháp, sân chùa... đều nằm trong một khuôn viên rộng rãi.
Hiện chùa vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn bộ tượng Phật, đồ thờ tự, bia đá quý, bao gồm tổng thể 110 hiện vật. Tượng Phật và đồ thờ tự ở đây được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, mềm mại mà vẫn khoẻ khoắn, dứt khoát.
8 pho tượng gỗ mang dấu ấn điêu khắc gỗ thời Mạc, có thể nói là những hiện vật quý và tiêu biểu nhất của chùa Yên Đông, với hình dáng, bố cục cân đối, đường nét chạm khắc mềm mại, trau chuốt, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.
Hai tấm bia đá thời Mạc cũng là những tác phẩm điêu khắc độc đáo với hình tượng rồng uốn lượn, điểm xuyết vân xoắn, đao mác, hoa lá - một đặc trưng riêng của thời Mạc mà ít chùa có được.
Ngoài ra chùa Yên Đông còn giữ được một bát hương sứ to từ thời Lê, 27 pho tượng gỗ thời Nguyễn, 1 cửa võng gỗ chạm trổ với nhiều hoạ tiết trang trí sinh động, 16 tấm bia đá, 1 toà cửu long bằng đồng và 1 chuông to đúc năm Minh Mệnh thứ 13, cùng nhiều đồ thờ tự thời Lê, thời Nguyễn rất đẹp.
Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc về lịch sử - văn hóa – nghệ thuật ngày 24 tháng 11 năm 2000, chùa Yên Đông đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích Văn hóa Nghệ thuật theo quyết định số 30 QĐ/BVHTT. Điều này một lần nữa khẳng định được các giá trị của chùa Yên Đông, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc.
Chùa Yên Đông đã được nhà nước xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 30/2000/QĐ-BVHTT, ngày 24/11/2000.
Chùa Giữa Đồng
Ngôi chùa được xây dựng khoảng năm 1797 để làm nơi quy ngưỡng tâm linh cho bà con cư dân khai hoang, lập ấp. Chùa còn có tên chính thức là Hương Đinh Phong Quang, tiếng Nôm là chùa Giữa Đồng, sau này chùa được đổi tên luôn thành Giữa Đồng có diện tích là 21.671 mét vuông tọa lạc giữa cánh đồng lúa nước mênh mông. Chùa Giữa Đồng với diện tích là 21.671 mét vuông.
Đến tháng 1 năm 2021, ngôi chùa được trùng tu hoàn thiện và chính thức khánh thành chùa chính. Chùa chính được thiết kế theo kiến trúc thời Lý với tổng diện tích 600 mét vuông, sử dụng hoàn toàn bằng gỗ lim và đá nguyên khối, kết cấu tám mái chồng diêm, bảy gian hai chái.
Ngoài chùa chính còn có các hạng mục như ngôi bảo điện, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà tiếp khách, chùa một cột, nhà dâng lễ, hành lang thờ La Hán, lầu hóa sớ, gác chuông, động sơn trang, thập bát la hán…
Điện chính đang thờ tam bảo, chư Phật, Đức Thế Tôn, Quan Âm Thế Trí, đức Dược sư, Phật Di Lặc, Vua cha Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Quan Âm Thị Kính… Tháp chuông cũng được xây dựng bằng gỗ, quả chuông được đúc bằng đồng, nặng 1,5 tấn.