Khai thác, tận dụng mọi cơ hội để đưa giá xuất khẩu điều nhân lên
Theo đánh giá của một số nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ, do dịch Covid-19 nên tiêu thụ nhân điều chế biến sâu ở những khu vực này bị giảm ở mảng khách sạn, nhà hàng nhưng lại tăng ở các siêu thị. Về tổng thể chung, tiêu thụ nhân điều vẫn tăng.
Nhân điều chế biến sâu đã có nhiều lúc hết hàng trong các siêu thị ở châu Âu và Mỹ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng nhân điều nhập khẩu vào châu Âu và Mỹ tăng mạnh trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 vừa qua.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, lượng nhân điều Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 53 ngàn tấn, tăng tới 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Hà Lan đạt gần 17 ngàn tấn, tăng 62,3%; Đức đạt hơn 6 ngàn tấn, tăng 30,1%…
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, giá nhân điều xuất khẩu từ đầu năm đến nay lại giảm khá nhiều. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, 4 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu nhân điều giảm tới 13,74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bước sang tháng 5 có sự khởi sắc, theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu nhân điều trong tháng 5 đạt 45 nghìn tấn, trị giá 280 triệu USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nhân điều ước đạt 184 nghìn tấn, trị giá 1,24 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Lượng nhân điều xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng cao, cho thấy, bất chấp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tiêu thụ nhân điều vẫn tăng trên toàn cầu.
Những ngày đầu tháng 6, giá nhân điều xuất khẩu mã W320 vẫn đang ở mức dưới 3 USD/lb (1 lb = 0,45 kg). Cụ thể, các nhà máy đang chào bán nhân điều W320 ở mức 2,6-2,85 USD/lb; W240 3,1-3,35 USD/lb; W450 2,4-2,6 USD/lb…
Các nhà máy điều nên xem xét thật kỹ khả năng bán nhân với mức giá nào để có kế hoạch mua điều thô với mức giá hợp lý.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng một số chuyên gia ngành điều dự báo giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ, do các nước phương Tây tăng nhu cầu dự trữ điều.
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra, việc chế biến điều trong nước, đặc biệt là khu vực lò chẻ và nhà máy nhỏ, đã giảm đáng kể trong thời gian qua, nên lượng nhân điều ra thị trường đang giảm bớt.
Bên cạnh đó, nguồn cung điều thô hiện bị hạn chế do Chính phủ Bờ Biển Ngà tăng thu mua dự trữ điều thô, chỉ còn hàng chất lượng kém chào bán trên thị trường, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung nhân điều.
Trước tình hình đó, theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas, các nhà máy điều nên xem xét thật kỹ khả năng bán nhân với mức giá nào để có kế hoạch mua điều thô với mức giá hợp lý.
Đồng thời, đàm phán thật kỹ để đảm bảo đúng chất lượng ký kết nhằm hạn chế rủi ro. Đặc biệt, không bán nhân điều giá rẻ, tận dụng mọi cơ hội để chào bán cao hơn mức hiện tại, qua đó đưa giá nhân lên.
Các nhà máy cũng cần lưu ý nâng cao chất lượng phù hợp với yêu cầu của người mua và chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm....
Tuấn Anh