Huyện Ứng Hòa nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, có diện tích đất tự nhiên 18.818ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm 71%. Hằng năm, diện tích lúa đạt hơn 16.000ha, sản lượng hơn 96.000 tấn với 85% là lúa chất lượng cao mang thương hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”.
Ngoài ra, huyện còn phát triển 380ha cây ăn quả, 4.000ha nuôi trồng thủy sản, cung cấp hơn 39.532 tấn thủy sản. Đàn gia cầm với hơn 2,18 triệu con, đàn lợn gần 100.000 con cung cấp nguồn lớn trứng và thịt cho thị trường. Nhiều vùng sản xuất tập trung đã hình thành như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn; mô hình đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú, Hòa Lâm, Đội Bình; vùng lúa chất lượng cao ở Trung Tú, Hoa Sơn, Hòa Phú…
Huyện Ứng Hòa chú trọng phát triển vùng sản xuất tập trung. |
Những năm trước đây, các vùng sản xuất tập trung của huyện luôn đối mặt với tình trạng bán sản phẩm thô, phụ thuộc vào thị trường... Đến nay, với định hướng phát triển bền vững, huyện đã khai thác tiềm năng, thế mạnh, đầu tư mạnh mẽ vào các vùng nguyên liệu tập trung có sự liên kết nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Ứng Hòa đã thành công trong việc xây dựng các tiểu vùng nguyên liệu kết hợp chế biến sâu. Nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Điển hình là Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú; Hợp tác xã Thủy sản Minh Quân, xã Đội Bình; cơ sở chế biến chả vịt Tiến Mạnh, thị trấn Vân Đình…
Đặc biệt, huyện Ứng Hòa đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy” và giao cho Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết sử dụng để nâng cao giá trị hàng hóa…Với vùng sản xuất tập trung, chất lượng thơm ngon, từ năm 2019, sản phẩm gạo Japonica giống J02 của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (thôn Ngọc Động, xã Phương Tú) được công nhận trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố với thứ hạng 4 sao.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, giống lúa J02 được UBND huyện chỉ đạo đưa vào sản xuất vụ đầu tiên năm 2016 tại Hợp tác xã Miêng Hạ (xã Hoa Sơn) với diện tích 38,4ha. Qua thời gian theo dõi sinh trưởng của dòng lúa này trong khoảng 5 năm cho thấy, giống J02 rất thích hợp với chân trũng (vụ xuân) và chân vàn (vụ mùa); khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất bình quân 60 tạ/ha, chất lượng gạo thơm ngon nên giá bán lúa J02 cao hơn lúa thường khoảng 30%. Chính vì vậy, phần lớn nông hộ trên địa bàn huyện đã chuyển sang canh tác lúa J02.
Hiện nay, Ứng Hòa tiếp tục hỗ trợ người dân ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đặc biệt là giống lúa Nhật J02, lúa nếp các loại. Riêng vụ xuân năm 2024, tỷ lệ lúa chất lượng cao của huyện đã đạt 71,3%. Bên cạnh khâu giống, huyện ứng dụng cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch, đạt trên 98% diện tích; khâu cấy đạt 7,4% diện tích; sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho diện tích lúa cấy và gieo sạ, đạt hơn 700ha.
Huyện Ứng Hòa chú trọng phát triển vùng sản xuất tập trung. |
Cũng theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, huyện đẩy mạnh tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu có thế mạnh bằng giải pháp đồng bộ; quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu đặc trưng. Các chương trình, đề án phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực như lúa gạo, vịt cỏ, thủy sản... được triển khai với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã mang lại hiệu quả cao.
Đối với vùng sản xuất, địa phương yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo đảm chất lượng. Các đơn vị chế biến và doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm theo giá đã công bố, giúp ổn định thị trường tiêu thụ. Chính quyền địa phương cũng tăng cường quản lý, bảo đảm mối liên kết bền vững giữa nhà nông, nhà nước và doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định.
Về lĩnh vực này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định cho biết thêm, năng suất, chất lượng sản phẩm đã tăng cao, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác. Sự liên kết giữa vùng nguyên liệu và chế biến sâu tạo bước đột phá cho giá trị nông sản của huyện. Hiện nay, Ứng Hòa có 87 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm đã vươn tầm quốc gia...
Sau cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Ứng Hòa (Hà Nội), hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu… Trong đó, số nhà bị tốc mái là 35, bị sập, đổ là 7; diện tích lúa bị ngập úng là 1.382,43ha, diện tích hoa màu, rau màu ngập úng, dập nát là 574,22ha… |