Cây quất hông bì là cây hân gỗ cao lớn, quả còn xanh màu xanh khi chín màu vàng và chuyển sang màu thâm đen thì ngọt lịm.
Quả của cây quất hồng bì có thể dùng ăn tươi như quả nho, hoặc dùng để ngâm rượu uống. Ngâm đường phèn mật ong đặc trị ho viêm họng.
Bây giờ đang là tháng 7 và là mùa thu hoạch của cây quất hồng bì.
Người dân Đồng Giang bước vào mùa thu hoạch quất hồng bì
Vào thời điểm này, người dân ở xóm Đồng Giang, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) đã bước vào thu hoạch quất hồng bì. Thời gian thu hoạch chỉ hơn 1 tháng. Ngày ngày, các loại ô tô, xe máy của tư thương nườm nượp vào ra, nhộn nhịp người bán, mua.
Từ lâu, quất hồng bì ở Đồng Giang đã trở thành đặc sản của thực khách gần, xa. Trên địa bàn xóm Đồng Giang, hộ nào ít cũng có mươi mười lăm cây, hộ trồng nhiều tới 50 - 60 cây, không ít hộ có trên 100 cây.
Theo trưởng xóm Đồng Giang, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Tất cả 170 hộ trong xóm đều trồng quất hồng bì. Trước đây được trồng trong vườn nhà, mấy năm gần đây đã được mở rộng lên đồi, ven suối và ruộng 1 vụ bấp bênh. Chúng tôi đã trải nghiệm khá nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh, khẳng định sự khác biệt của quất hồng bì ở Đồng Giang chính là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Không ít người ở nơi khác lấy giống cây ở đây về trồng, nhưng khi quả chín lại chua, hạt to, ít cùi, màu sắc cũng không được nâu sẫm như ở Đồng Giang.
Mùa hè năm nay, do nắng gắt kéo dài, trời ít mưa nên chất lượng, sản lượng giảm so với vụ trước, nhưng quất hồng bì ở Đồng Giang vẫn tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Cây nhỏ cũng cho thu hoạch 40 - 50 kg, cây lớn bình quân từ 100 - 150 kg, giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết thêm: Cùng với trồng lúa, phát triển kinh tế rừng, quất hồng bì đã được xác định là cây trồng mũi nhọn của xóm. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%.
Về lâu dài, chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền khảo sát, nghiên cứu để tiến tới xây dựng thương hiệu quất hồng bì Đồng Giang, đưa loại cây đặc sản này thành sản phẩm OCOP để người dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích nhằm cải thiện, nâng cao đời sống.
Hồng bì hiện cũng đang được trồng ở một số xã khác như Dân Hòa (thị trấn Kỳ Sơn)
Ngoài quất hồng bì ở xóm Đồng Giang, loại quả này hiện cũng đang được trồng ở một số xã khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Điển hình như xã Dân Hòa (thị trấn Kỳ Sơn).
Bởi những yếu tố hết sức đặc trưng về thổ nhưỡng mà cây hồng bì vùng Dân Hòa (Kỳ Sơn) ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Ông Đinh Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Dân Hòa cho biết: Cây quất hồng bì đã được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn ở địa phương, góp phần tăng bình quân thu nhập đầu người toàn xã lên trên 29 triệu đồng/người/năm 2015. Ít năm gần đây, một số hộ dân đã mở rộng diện tích trồng hồng bì. Xã cũng đã thực hiện chủ trương của huyện trong việc mở rộng diện tích gắn với xây dựng thương hiệu.
Về lâu dài, cấp ủy, chính quyền địa phương mong muốn các nhà khoa học tiến hành khảo sát, nghiên cứu thêm làm cơ sở để mở rộng tiến tới xây dựng thương hiệu hồng bì Dân Hòa. Hiện tại, hồng bì được khuyến khích trồng thêm đối với diện tích vườn tạp đã cải tạo. Vụ thu hoạch hồng bì ở xã Dân Hòa kéo dài từ cuối tháng 6 đến khoảng đầu tháng 8 là kết thúc. Với nguồn cung có hạn, gần như chỉ những ai ghé qua vùng đất của xã Dân Hòa mới có cơ hội thưởng thức những chùm hồng bì dày cùi mà ngọt lịm mang hương rất riêng này.
Hồng bì là một loại dược liệu rất quen thuộc, cả phần lá, quả hay rễ đều có thể dùng làm thuốc.
Theo y học cổ truyền, vỏ của hồng bì có công dụng trị ho rất tốt. Vào mùa nếu bị ho bạn có thể lấy hồng bì hấp cùng với một chút đường để lấy nước uống. Ngoài ra, bạn có thể ngâm sẵn để dùng dần, hoặc làm mứt hồng bì để ăn trong những ngày bị ho.
Hạt hồng bì có vị đắng, cay, the, tính ấm. Có tác dụng giảm đau, kích thích tiêu hóa, được dùng chữa đau dạ dày, đau vùng thượng vị, đau bụng co thắt
Vỏ rễ hồng bì cũng dùng làm thuốc ho sốt, ngày dùng 4-6g dưới dạng thuốc sắc. Lá hồng bì thường được dùng nấu nước gội đầu cho sạch gầu.
Hạ Vy