Campuchia là nhà cung cấp lớn nhất hạt điều cho Việt Nam |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 8 đạt hơn 211.000 tấn với trị giá hơn 283 triệu USD, giảm 27,5% về lượng và giảm 18,2% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nước ta đã nhập khẩu hơn 1,9 triệu tấn hạt điều, kim ngạch đạt hơn 2,4 tỷ USD, giảm 4,1% về lượng và giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Campuchia là nhà cung cấp lớn nhất hạt điều cho Việt Nam với sản lượng đạt hơn 797.000 tấn, kim ngạch cán mốc hơn 1 tỷ USD, tăng mạnh 32% về lượng và tăng 25% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.292 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ.
Đứng thứ 2 trong số các nhà cung cấp hạt điều cho Việt Nam là Bờ Biển Ngà. Tính đến hết tháng 8, nước ta nhập khẩu từ thị trường này hơn 394.000 tấn với trị giá hơn 459 triệu USD, tuy nhiên giảm 30% về lượng và giảm 27% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ghana là nhà cung cấp lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 236.000 tấn, trị giá hơn 266 triệu USD, tăng 10% về lượng và tăng 13% về trị giá. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.096 USD/tấn, tăng 3%.
Nói về thị trường Campuchia, ngành điều của quốc gia này đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và trở thành nguồn cung lớn nhất cho Việt Nam.
Quốc gia này có 435.733 ha trồng điều với sản lượng đạt 508.283 tấn tính đến năm 2022. Cũng trong năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu 471.520 tấn hạt điều thô và thu về hơn 1,07 tỷ USD. Trong đó có tới 98,5% sản lượng điều xuất khẩu của Campuchia được bán sang Việt Nam.
Sản lượng vụ điều năm nay của Campuchia cao hơn năm ngoái, nhưng khoảng 70% là hạt cỡ to, nên các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hạt điều thương phẩm cỡ nhỏ để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhà nhập khẩu.
3 nhà cung cấp hạt điều chủ đạo cho Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 |
Campuchia đang nỗ lực khẳng định vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt điều hàng đầu thông qua Chính sách quốc gia về hạt điều giai đoạn 2022-2027. Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Campuchia cho biết, thị trường hạt điều chưa chế biến lớn nhất của Campuchia là Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có các thương lái Việt Nam mà còn rất nhiều thương lái quốc tế khác cũng đã tới tìm hiểu và mua các sản phẩm từ hạt điều của Campuchia.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 8 vừa qua, giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam đạt mức bình quân 6.326 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng 7/2024 và tăng 14,8% so với tháng 8/2023. Như vậy, đây là tháng thứ 4 liên tiếp giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam tăng so với tháng trước đó và là tháng thứ 3 liên tiếp giá xuất khẩu hạt điều tăng so với cùng kỳ 2023.
Giá hạt điều xuất khẩu đang tăng liên tục trong những tháng qua, nhưng do trong 5 tháng đầu năm, giá hạt điều xuất khẩu bình quân luôn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ 2023, nên tính chung trong 8 tháng, giá xuất khẩu bình quân hạt điều vẫn giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 8 tháng, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 486 nghìn tấn hạt điều, trị giá 2,77 tỷ USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của một số thương nhân ngành điều, xuất khẩu điều sẽ còn tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm do nhu cầu nhập khẩu phục vụ các dịp lễ, Tết.
Trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt mức kỷ lục 3,8 tỷ USD (cao hơn khoảng 200 triệu USD so với năm 2023). Rào cản lớn nhất hiện nay là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nguyên nhân giá hạt điều thô nhập khẩu tăng mạnh là do một số nhà cung ứng nguyên liệu lấy lý do mất mùa để không giao hàng hoặc yêu cầu tăng giá theo mức tăng hiện tại thì mới tiếp tục giao. Nguồn cung hạt điều thô trong nước cũng giảm sút mạnh.