Làng nghề lược sừng Thụy Ứng ra đời cách đây hơn 400 năm
Theo niên biểu lịch sử Việt Nam 2000 năm, lược sừng Thụy Ứng ra đời từ thời vua Lê Trung Tông, hiệu Thuận Bình, trị vì từ năm 1549 đến 1556.Trải qua thăng trầm của lịch sử, biết bao thế hệ người dân trong làng duy trì và gìn giữ, phát triển nghề cho tới ngày nay. Từ nguyên liệu là những chiếc sừng trâu bò, dưới bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của người thợ đã tạo ra nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, các đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Làng nghề đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.
![]() |
Các sản phẩm được làm từ những chiếc sừng trâu, bò. |
Năm 2003, tỉnh Hà Tây đã công nhận danh hiệu Làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử nghề, nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, đưa thương hiệu của làng nghề Thụy Ứng lên một tầm cao mới.
Làng Thụy Ứng là khu trung tâm sản xuất kết hợp trải nghiệm và trưng bày sản phẩm của làng nghề; kết hợp thăm quan đình, chùa, di tích lịch sử văn hóa tâm linh, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Làng có nhà thờ tổ nghề Lược sừng, cây đa di sản, giếng đá cổ, đình Thụy Ứng (xếp hạng di tích cấp Quốc Gia năm 1991, chùa Thụy Ứng xếp hạng di tịch cấp Thành phố năm 2008)
![]() |
Toàn cảnh buổi Lễ đón nhận Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội công nhận Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng. |
Đầu tháng 3, xã Hòa Bình đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội công nhận Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng.
![]() |
Xã Hòa Bình nhận Quyết định của UBND Thành phố. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản đề nghị xã Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt tinh thần Luật Du lịch, Nghị định 168 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, Thông tư số 06 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng, phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội làm cho mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tác dụng của việc công nhận điểm du lịch của Thành phố Hà Nội. Đề nghị chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình tập trung hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đáp ứng các yêu cầu của điểm du lịch làng nghề gắn với việc xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu để xã Hòa Bình trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách trong nước và tiến tới thu hút khách quốc tế.
Địa điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách
Trong nhiều năm qua, làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã đón nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước đến mua sắm, tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu sản phẩm độc đáo từ sừng truyền thống.
Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đánh giá rằng: Qua đôi bàn tay tài hoa của các thế hệ người dân Thụy Ứng, sản phẩm từ chất liệu sừng ngày càng phong phú: Vòng tay, trang sức, dụng cụ mat-xa, khay đĩa, bát,cốc chén, bút, trâm cài tóc và tác phẩm mỹ nghệ, nghệ thuật từ sừng... Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng thực sự hấp dẫn đối với khách du lịch.
![]() |
Sản phẩm làng nghề Lược sừng Thụy Ứng đa dạng, thu hút nhiều khách hàng. |
Để phát triển làng nghề lược sừng thôn Thụy Ứng thành điểm du lịch hấp dẫn, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng chia sẻ rằng: Xã đã quy hoạch 4 khu du lịch, thu hút khá đông khách. Khu một là trung tâm, diện tích 3,99ha bao gồm: Trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa thể thao. Khu 2 là điểm mua sắm kết hợp dịch vụ ăn uống và các dịch vụ tiện ích khác. Khu 3 và khu 4 với diện tích 61,26ha tập trung các hộ làm nghề, cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm của làng nghề lược sừng Thụy Ứng. Tại đây du khách được tham quan làng nghề truyền thống lâu đời, giếng đá cổ, nhà cổ, cây đa di sản kết hợp trải nghiệm, lưu trú, chiêm bái đình, chùa, Đền thờ Tổ làng nghề lược sừng… Trong đó, làng có nhà thờ Tổ nghề lược sừng, cây đa di sản, giếng đá cổ, đình Thụy Ứng được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1991, chùa Thụy Ứng xếp hạng di tích cấp thành phố năm 2008...
Để phát huy thế mạnh từ làng nghề và phát triển du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, xã Hòa Bình cần chú trọng đầu tư trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát tại các tuyến đường, các khu vực có công trình công cộng, di tích lịch sử, công trình tôn giáo, tín ngưỡng khu vực làng nghề, trong xã... tạo tuyến du lịch; định hướng và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Ban quản lý điều hành, hướng dẫn viên du lịch tại điểm; thường xuyên phối hợp với các phòng, ban, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cộng đồng về du lịch tại điểm. Đặc biệt, cần liên kết với các công ty lữ hành để đưa khách du lịch đến với điểm du lịch làng nghề.
Ngoài ra, cần mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xúc tiến, đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của điểm du lịch thành các tour, tuyến du lịch, tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng, phù hợp nhu cầu khách du lịch...