Khám phá Nguyên Lăng - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nam Định: "Đất trăm nghề" với lịch sử lâu đời Về thăm Đền Bảo Lộc - quê hương của Đức Thánh Trần |
Làng nghề đúc đồng Tống Xá thuộc địa phận xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được xem là một trong những cái nôi của nghề đúc đồng truyền thống nước ta với lịch sử phát triển gần 900 năm. Những sản phẩm, công trình đúc đồng của làng nghề có mặt ở khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.
Quý khách đi theo đường quốc lộ 10 về phía Thành phố Ninh Bình, qua cầu Non Nước là bước chân vào đất tỉnh Nam Định, từ cầu đi hướng Nam Định khoảng 7 km tới Ngã Ba Cát Đằng có bảng chỉ dẫn thị trấn Lâm, quan khách đi khoảng 3 km là đến trung tâm thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Lịch sử hơn 900 năm của làng nghề đúc đồng
Năm 1118, nhà sư Nguyễn Chí Thành (pháp danh Minh Không) ở Chùa Điềm Xá, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) về vãn cảnh chùa làng Tống Xá. Sau khi tìm thấy ở cánh đồng phía đông làng Tống Xá có loại đất sét có thể làm được khuôn đúc, ông đã cùng với dân làng đào hố, lấy đất đem về làm khuôn rồi dạy dân làng nghề đúc kim loại, kéo bễ thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng… Từ đó, cánh đồng đào hố lấy đất sét được dân gian gọi là cánh đồng Cầu Hố.
Cùng với dạy nghề đúc kim loại, nhà sư Nguyễn Chí Thành đã cho tu sửa lại chùa làng, đặt tên là “Cổ Liêu tự”. Để tưởng nhớ công lao của Thiền sư Nguyễn Minh Không, dân làng Tống Xá đã suy tôn ông là Đức Thánh tổ làng nghề và lập đền thờ tự.
Trải qua hơn 900 năm tồn tại và phát triển, nghề đúc đồng Tống Xá đã trở thành một trong những“cái nôi” của nghề đúc đồng trong cả nước. Trước năm 1945, nghề chính của làng Tống Xá chỉ làm đúc gang với những mặt hàng đơn giản là đồ thờ cúng, đồ gia dụng như: đỉnh đồng, lư hương, nồi, niêu, xoong, chảo... Các công đoạn đúc đều làm thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động của người thợ; dụng cụ, trang thiết bị còn thô sơ nên làm các công đoạn rất vất vả, người thợ phải tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, khí độc.
Ngày nay, trong sản xuất, công nghệ hiện đại đang dần thay thế những công đoạn thủ công truyền thống như: máy cắt CNC (tạo mẫu sản phẩm); máy phân tích quang phổ chuyên dụng (phân tích thành phần hóa học vật liệu), máy mài… đã phần nào giảm bớt sức lao động của người thợ. Tuy nhiên, để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, các sản phẩm đúc vẫn phải trải qua 7 công đoạn chính: tạo mẫu, tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn, hoàn thiện sản phẩm (chạm trổ) và đánh bóng. Trong đó, công đoạn hoàn thiện sản phẩm mang yếu tố quyết định phần “hồn” của mỗi sản phẩm đúc.
Đa dạng sản phẩm đúc đồng của làng nghề |
Sản phẩm đồng của làng Tống Xá được khách thập phương ưa chuộng
Sản phẩm đúc đồng của làng nghề Tống Xá rất đa dạng, phong phú, đạt đến trình độ tinh xảo từ đồ phong thủy, tranh, hoành phi, câu đối đến những bức tượng Phật, danh nhân văn hóa, lãnh tụ dân tộc với nhiều công trình quy mô lớn như: tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng Bác Hồ tại Nhà lưu niệm huyện Định Hóa (Thái Nguyên); tượng Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Nhà Lưu niệm tỉnh Quảng Trị; tượng Vua Lý Thái Tổ, tượng Phật tổ Như Lai đặt tại núi Non Nước, huyện Sóc Sơn (Hà Nội); tượng Quốc mẫu Âu Cơ và các vị Lạc tướng, Lạc hầu tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng (Phú Thọ); tượng 14 vị vua thời Trần tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Phổ Minh (Nam Định); tượng Tam thế Phật tổ Như Lai tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình)...
Về làng Tống Xá hôm nay, đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh những bếp lửa đỏ rực; mỗi người thợ làng nghề vẫn luôn phấn đấu nâng cao tay nghề, đưa công nghệ đúc kim loại ngày một hiện đại hơn.
Bây giờ trở về Tống Xá, Vạn Điểm(Làng nghề đúc đồng Ý Yên), từ tinh mơ đến tận sẩm tối, đâu đâu cũng gặp hình ảnh những bếp lò đỏ rực lửa. Thật không ngờ, nghề đúc đồng đã nhiều vất vả, hiểm nguy lại cần phải thật tỉ mỉ, tinh xảo mới tạo ra được sản phẩm hoàn hảo. Người thợ đúc phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cách chọn đất xây lò, nhóm lửa, chọn đồng đến làm khuôn, nấu chảy các mẻ đồng… Tất cả phải được thực hiện thận trọng, chuẩn xác để đảm bảo cho sản phẩm không bị vênh và co ngót.
Làng Tống Xá hiện có hơn 4.000 nhân khẩu với hơn 170 doanh nghiệp, cơ sở đúc; doanh thu làng nghề đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm đúc đồng của làng nghề Tống Xá đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Những công trình tiêu biểu của làng nghề
Cụm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là một tượng đài để kỷ niệm sự kiện trận Điện Biên Phủ năm 1954 - là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Với chiều cao 12,6m, bệ tượng cao 3,6m, nặng 220 tấn. Người thực hiện việc đúc đồng là Nguyễn Trọng Hạnh ở huyện Ý Yên (Nam Định).
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên cứ điểm đồi D1, đây là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc, tôn đúng tầm ý nghĩa to lớn về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Cụm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ |
Tượng đài Thánh Gióng trên núi Sóc Sơn
Tượng đài Thánh Gióng là một công trình điêu khắc tọa lạc trên đỉnh núi Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tượng đài được xây dựng để tưởng nhớ công đức của Phù Đổng Thiên Vương - một vị thánh trong truyền thuyết Việt Nam. Đây là một trong những công trình văn hóa trọng điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều cao tới đỉnh là 11,07 m với độ vươn ra là 16 m, trọng lượng ước tính 85 tấn. Tượng được đặt trên đỉnh Vệ Linh - đỉnh cao nhất của núi Sóc, với độ cao tuyệt đối của nơi đặt tượng sau khi hoàn thành cải tạo là 297 m.
Tượng mô phỏng hình ảnh vị thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây và hào quang, thể hiện rõ tính "động" cho bức tượng. Tượng được đặt hướng về phía Nam, được cho là để thể hiện Thánh Gióng đang hướng về quê mẹ ở phương Nam (Phù Đổng, Gia Lâm), đồng thời đang trông coi bờ cõi của toàn nước Việt.
Tượng đài Thánh Gióng |
Tượng đài vua Lý Thái Tổ gần Hồ Gươm
Tượng đài Vua Lý Thái Tổ được đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô Hà Nội. Tượng đài là một công trình kiến trúc văn hoá đẹp, nhằm tôn vinh Vua Lý Thái Tổ (974 - 1028), người có công khai sáng kinh thành Thăng Long.
Tượng đài được khởi công xây dựng ngày 17/08/2004 và khánh thành ngày 07/10/2004. Đây là bức tượng bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 34 tấn (tượng 14 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,10 m (tượng cao 6,8 m, bệ cao 3,3 m). Tính theo đơn vị centimet, 1010 cm tương ứng với số năm 1010, năm khai sáng Kinh thành Thăng Long.
Tượng đài khắc hoạ hình tượng người có công khởi lập và tạo dựng nên mảnh đất ngàn năm văn hiến - Vua Lý Thái Tổ, đầu đội mũ bình thiên, tay phải cầm “Chiếu dời đô”, tay trái chỉ xuống nơi định đô. Tượng được đặt trên đài hình bát giác (tượng trưng cho tám hướng), phần trên đài cách điệu hình bốn cổng thành Hà Nội, phần bệ gồm ba bậc thềm tượng trưng cho thiên thời - địa lợi - nhân hoà, những yếu tố làm cơ sở để Vua Lý Thái Tổ đặt niên hiệu Thuận Thiên.
Tượng đài vua Lý Thái Tổ gần Hồ Gươm |
Tượng Tam Thế Phật chùa Bái Đính
Trong toà Tam Thế chùa Bái Đính đặt 3 pho tượng Tam Thế bằng đồng nguyên khối, mỗi tượng cao 7,2m, nặng 50 tấn đều dát vàng trên ba bệ cao 1,5 m, ốp đá thước chạm khắc hoa văn trồng rất bề thế. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”, ngày 12 tháng 12 năm 2007.
Ba tượng Tam Thế do nghệ nhân bàn tay vàng Vũ Duy Thuấn cùng các nghệ nhân đúc đồng ờ thị trấn ý Lâm, huyên Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc.
Tượng Tam Thế, gọi đầy đủ là “Tam Thế Thường Trụ Diệu Pháp Thân ” (Thân pháp chân thực tức đạo thể, nhiệm màu đẹp đẽ của các đức Phật tồn tại vĩnh hằng trong cả ba thời), hoặc “Tam Thế tam thiên Phật”: Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở Trúc Lâm Thiên Trường - Nam Định
Tọa lạc tại Trúc Lâm Thiên Trường, Trung tâm Phật giáo tỉnh Nam Định - là nơi phụng thờ và cầu nguyện cho đất nước hòa bình phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân an vui và là điểm nhấn linh thiêng cho mảnh đất Thành Nam, Đại Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni với nét đẹp độc đáo, uy nghiêm, có giá trị văn hóa, tâm linh lớn.
Công trình Đại Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có chiều cao tổng thể (gồm cả phần đế) là 20,28 m. Bệ bê tông cốt thép được hoàn thiện mặt ngoài bằng phù điêu đá vân mây và bát vị kim cương. Riêng Đại Tượng Phật có chiều cao 14,8 m, riêng thân tượng cao 12m và chiều rộng (nơi rộng nhất) trên 9m. Chiều cao đài sen là 2,8m. Đại Tượng Phật có trọng lượng 150 tấn, trong đó tỷ lệ Đồng chiếm khoảng 90%, Thiếc sao vàng khoảng 7%, Chì dẻo khoảng 3% với giá trị thực hiện gần 80 tỷ đồng. Đại Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được đánh giá là Tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.