Nam Định: Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhờ các tiến bộ về khoa học và công nghệ Nam Định: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề Nam Định: Bảo tồn và phát triển làng nghề |
Nam Định – đất trăm nghề
Tọa lạc ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định không chỉ được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt - nơi phát tích của vương triều Trần, một trong những triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1225 - 1400, 12 đời vua Trần), mà còn được biết đến bởi kho tàng quý giá gồm trên 1655 di tích lịch sử văn hóa, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, đặc biệt là những làng nghề nổi tiếng như làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Vị Khê, Lã Điền, Trừng Uyên (Điền Xá, Nam Trực); Làng nghề mộc Mỹ nghệ truyền thống La Xuyên (Yên Ninh, Ý Yên); Làng nghề đồ gỗ khảm trai Bình Minh (Hải Minh, Hải Hậu); làng nghề đúc đồng truyền thống Tống Xá... với những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước.
Quá trình hình thành và phát triển làng nghề nông thôn của các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng, nghề thủ công ra đời xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thân của mọi người. Khởi đầu, sản phẩm chỉ là những sản phẩm thô sơ, đơn giản; sau này bằng trí tuệ sáng tạo và bàn tay tài hoa của con người mới ‘làm đẹp’ cho những vật dụng ấy bằng các hoa văn trang trí ngày càng tinh xảo, trở thành các tác phẩm nghệ thuật mang đậm tinh hoa văn hóa dân tộc.
Lịch sử lâu đời của các làng nghề thành Nam
Theo các thư tịch cổ, các làng nghề truyền thống của Nam Định phần lớn xuất hiện vào thời Lý-Trần, nhưng đặc biệt hưng thịnh vào thời Trần, khi hương Tức Mặc được đổi thành phủ Thiên Trường và trở thành kinh đô thứ hai của nhà Trần. Cùng với việc cải cách chính sách kinh tế tương đối thoáng mở, kích thích phát triển kinh tế công thương nghiệp, nhà Trần còn mở mang đường xá, cải tạo hệ thống giao thông đường thủy, làm cho Thiên Trường phủ có địa thế thuận lợi trong việc giao lưu, mở mang và phát triển các nghề thủ công.
Một đô thị mới - một kinh đô thứ hai - được hình thành đã tạo ra các hoạt động kinh tế sôi động. Các làng nghề “vành đai” sản xuất phục vụ nhu cầu xây dựng cung điện, đền đài và nhu cầu tiêu dùng của giới quý tộc, thị dân. Do nhu yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, mỹ thuật của các công trình/sản phẩm nên thời kỳ này Nam Định tập trung nhiều thợ giỏi đến làm ăn sinh sống, trình độ các phường thợ cũng vì thế được nâng cao.
Thành Nam xưa là một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, với các phố phường nổi tiếng gắn với các nghề thủ công nghiệp, buôn bán sôi động chẳng kém Thăng Long, phố Hiến. Nhiều con phố được đặt tên theo các phường nghề, cho thấy sự phát triển về kinh tế - xã hội như: Phố Hàng Cấp xưa là nơi chuyên nghề dệt cấp - một thứ lụa quý dệt bằng tơ nõn, dệt lĩnh, the, gấm; phố Hàng Tiện, chuyên về mộc, chạm khắc; phố Hàng Khay nổi tiếng với mặt hàng sập gụ, tủ chè….
Hầu hết các làng nghề của tỉnh Nam Định đều có đền thờ tổ nghề như làng nghề đúc đồng Tống Xá (huyện Ý Yên) thờ La Lão đại nhân Ninh Hữu Hưng; làng nghề rèn Vân Chàng (huyện Nam Trực) thờ Lục vị thành sư; làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Vị Khê có từ thế kỷ XIII (1211) do một vị quan nhà Lý là Tô Trung Tự truyền dạy... Đền thờ, đình làng là nơi còn lưu giữ những sản phẩm tiêu biểu của làng nghề qua nhiều thế hệ, là thành quả sáng tạo mà các nghệ nhân để lại cho con cháu.
Đình làng La Xuyên là một ví dụ - Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, dày đặc các mảng chạm tinh xảo. Những cánh hoa, cây cỏ như mọc ra từ thân gỗ; những rồng, phượng, long, ly sống động, biến ảo. Điều đặc biệt là công trình này được tạo ra từ sự phối ghép của nhiều tốp thợ, song lại ăn khớp hài hoa đến ngạc nhiên, điều này thể hiện bí quyết của làng nghề. Bí quyết chính là yếu tố quan trọng để tạo nên tên tuổi của làng nghề và để phân biệt sản phẩm của các làng nghề từ nét độc đáo, hấp dẫn của mỗi sản phẩm.
Hay, làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Vị Khê, trên hai cột ngoài cổng đình là đôi câu đối: Tài thụ, chủng hoa, Tô tướng thủy - Nguyễn trang, Vỵ xã, hiệu chi tiên (Tạm dịch: Trồng cây, ươm hoa là nghề do tướng công họ Tô khởi đầu - Trang ấp họ Nguyễn ở thôn Vỵ là tên gọi thuở trước), ngoài văn tự, bia đá, còn có đôi sanh thế Trực 15 tán khoảng 300 tuổi, của cụ Nguyễn Việt Lã đã gánh "của gia bảo" vào Huế thi Hội hoa xuân và đoạt giải cao, mang vinh hiển về cho làng nghề cây cảnh Vị Khê....
Làng nghề đúc đồng truyền thống Tống Xá có trên 930 năm do nhà sư Nguyễn Chí Thành (pháp danh Minh Không) truyền nghề, có đền thờ Đức Thánh Tổ tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên...
Hằng năm ở các làng nghề thường có lễ hội, ngoài nghi lễ tế, rước, còn diễn ra các cuộc thi tay nghề truyền thống để lựa chọn sản phẩm đặc sắc. Đây là việc làm mang tính tiếp nối giữ gìn và phát huy truyền thống của các làng nghề, đồng thời là sinh hoạt cộng đồng có giá trị văn hóa cao.
Các làng nghề đóng góp thúc đẩy kinh tế nông thôn Nam Định
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Làng nghề nông thôn của Nam Định được chia làm 05 nhóm làng nghề chính (1) Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; (2) Nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí, tái chế; (3) Nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; (4) Nhóm làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; (5) Nhóm làng nghề xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn) và được phân bổ ở tất cả các huyện và thành phố.
Các làng nghề tập trung nhiều nhất ở các huyện Hải Hậu (41 làng nghề - chiếm 28,9%), huyện Ý Yên (25 làng nghề - chiếm 17,6%) và huyện Nam Trực (21 làng nghề - chiếm 14,8%). Nhóm làng nghề truyền thống (xuất hiện trên 50 năm) của tỉnh có 29 làng nghề truyền thống, với các sản phẩm như: cây cảnh, đồ đồng, đồ gỗ, mây tre đan...
Có thể khẳng định làng nghề nông thôn Nam Định đã đóng góp những kết quả đáng khích lệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bước vào công cuộc đổi mới nhiều làng nghề được hồi sinh, xuất hiện thêm nhiều làng nghề mới với những mặt hàng phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao.
Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống mang thương hiệu làng nghề như chạm khắc La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá huyện Ý Yên; cây cảnh, Điền Xá huyện Nam Trực; các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ xã Hải Minh huyện Hải Hậu... Sản phẩm của các làng nghề hiện nay rất phong phú về chủng loại, đẹp về mẫu mã, chất lượng tốt, kỹ thuật cực kỳ tinh xảo đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.