Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng khảo sát những vùng chè cổ thụ trong rừng nguyên sinh. |
Hái lộc trời chè cổ thụ ở độ cao trên 2.000m
Cách thành phố Lai Châu 80km, xã vùng cao Mồ Sì San thuộc huyện Phong Thổ có 4 bản với 2.459 nhân khẩu sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Đây cũng là vùng duy nhất có được số lượng cây chè cổ tập trung lớn nhất tỉnh Lai Châu, khoảng 1.700 cây. Gốc chè bé nhất có đường kính khoảng 30cm, còn những gốc lớn 2 người ôm không xuể.
Cũng ở khu vực này, đoàn khảo sát của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cùng với những chuyên gia người Nhật Bản đã từng khoan lõi để xác định tuổi của những cây chè cổ, trong số đó, có những cây chè cổ có tuổi đời lên tới 900 năm.
Khu vực chè cổ nằm ở trải dài, bám theo đỉnh núi Phàn Liên San cách trung tâm xã Mồ Sì San khoảng 15km. Với đặc thù điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã làm cho chè cổ thụ ở đây có những hương vị đặc trưng riêng.
Ở Mồ Sì San, mỗi năm người dân bản địa chỉ thu hoạch chè một lần duy nhất từ cuối tháng 2 đến tháng 4. Đây là thời điểm chè cổ thụ cho chất lượng ngon nhất. Mặt khác, cũng do mây mù bao phủ quanh năm, ở nền nhiệt thấp cùng với độ cao lớn nên những cây chè cổ chỉ có thể cho búp vào đúng thời điểm kể trên.
Từ tờ mờ sáng, những người dân trong bản với bước chân thoăn thoắt, cơm nắm bỏ gùi, băng qua rừng già, leo qua những con dốc dựng đứng để tới đỉnh Phàn Liên San hái những búp chè cổ.
Một vùng chè cổ trên đường lên đỉnh Phàn Liên San, Lai Châu. |
Người ta sử dụng tay không trèo bám trên những thân cây xù xì và leo dần lên ngọn cây cao cả chục mét. Ở đây, không thể sử dụng thang cũng như giá đỡ để trèo lên ngọn vì những cây chè cổ khúc khuỷ, cuốn quanh bởi những cây gai rừng. Có được những búp chè cổ không chỉ đòi hỏi người thu hái phải hiểu biết về kỹ thuật hái, chọn lá mà phải có cả sức khỏe, không sợ độ cao và hết sức khéo léo khi di chuyển trên những ngọn cây...
Ông Tẩn Chỉn Xuân, thôn Tô Y Phìn, xã Mồ Sì San cho biết: Cây chè cao, công đoạn thu hái rất vất vả nhưng từ bé chúng tôi đã quen rồi. Lần nào đi chúng tôi cũng được cán bộ xã rồi đơn vị mua chè nhắc nhở đảm bảo an toàn nên bà con đều tuân thủ.
Gìn giữ lam tỏa hương vị chè cổ thụ vươn xa
Chè cổ thụ trên đỉnh Phàn Liên San luôn có một lớp lông mịn, dày dặn. Vị chè hòa quyện hương vị đặc trưng của núi rừng, sương gió trên đỉnh Phàn Liên San. Mặc dù vậy, trước đây người dân chỉ hái xong sơ chế rồi bán cho thương lái ở các tỉnh lân cận chứ không chế biến sâu, thành các sản phẩm có giá trị cao.
Ông Tẩn Sài Phạ, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Biên Cương (xã Mồ Sì San) cho biết, năm 2018, khi nhận thấy vùng chè cổ thụ có nhiều tiềm năng nhưng chưa mang lại giá trị kinh tế cho người dân, chúng tôi cùng những người bạn đã bỏ công sức, nhiều ngày ngủ trong rừng để khảo sát. Rồi cùng nhau đi tới những phòng trà lớn ở các tỉnh học hỏi cách nhận diện, phân biệt các loại trà ngon, cách pha, thẩm trà... sau đó mới đi đến quyết định mở hợp tác xã Biên Cương để đưa sản phẩm chè ở Mồ Sì San tới khắp mọi miền Tổ quốc, cho mọi người cùng biết đến vùng đất này.
Sau khi đi vào vận hành, hợp tác xã cùng chính quyền địa phương để người dân đăng ký thu hái chè cổ thụ trên rừng. Hộ gia đình nào đăng ký đầy đủ, sản phẩm chè búp tươi đúng 1 tôm 1 lá, 1 tôm 2 lá, không dập nát, không ôi, hỏng, hợp tác xã mua với giá trung bình khoảng 35 nghìn đồng/kg chè tươi. Tuy nhiên, vụ chè tới đây sẽ tăng lên khoảng 50-60 nghìn đồng/kg chè tươi.
Các sản phẩm của hợp tác xã sau khi đưa ra thị trường đã được mọi người đón nhận, đặc biệt những người yêu trà dành những tình cảm riêng đối với chè cổ thụ Mồ Sì San. Trong đó có các sản phẩm như bạch trà, hồng trà, trà xanh và hoàng trà. Các loại chè này đều được các nghệ nhân chế biến tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, công đoạn đảm bảo sạch, giữ được hương vị tự nhiên của núi rừng Phàn Liên San, mang hương vị đặc trưng của mảnh đất Mồ Sì San.
Các sản phẩm chè của Hợp tác xã Biên Cương được giới thiệu tại hội chợ. |
Chè búp tươi đầu vào cho hợp tác xã sản xuất luôn giữ được ổn định chất lượng cùng với hệ thống máy móc, dây chuyền chế biến đã tạo ra đa dạng sản phẩm chè đặc biệt về chất lượng, có giá thành lên tới cả chục triệu đồng cho mỗi kilogram chè khô trong đó có bạch trà. Điều mà ngay cả những thành viên trong hợp tác xã cũng như người dân khi bắt tay vào sản xuất, xây dựng thương hiệu chè Mồ Sì San chưa dám nghĩ đến.
Sở dĩ, bạch trà có giá trị như vậy là do quá trình thu hoạch và chế biến đòi hỏi sự tỉ mỉ, thời gian chế biến công phu hơn các loại trà khác. Các sản phẩm của hợp tác xã được UBND tỉnh Lai Châu chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được ghi danh sản phẩm thương hiệu vàng năm 2021.
Một số loại trà khác của hợp tác xã phân phối ra thị trường cũng dao động trong khoảng từ 2-3 triệu đồng, cụ thể hồng trà có giá 3 triệu đồng/kg, trà xanh và hoàng trà có giá 2 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng đã và đang trồng thử nghiệm trà cổ bằng phường pháp gieo hạt tự nhiên và ghép cành.
Liên kết để chè cổ thụ tạo sinh kế cho người dân
Trước đây, diện tích chè cổ thụ của xã Mồ Sì San phân tán, không được chăm sóc, bảo vệ nên năng suất thấp, sản lượng thu hái chè búp tươi mỗi năm đạt chỉ khoảng 4 - 4,5 tấn. Sau khi thu hái, bà con không chế biến mà bán cho thương lái với giá rẻ. Trước tình hình đó, Hợp tác xã chế biến Chè cổ thụ Biên Cương ra đời đã góp phần tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Ông Tẩn Chỉn Lở, thôn Tô Y Phìn, xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cho biết, trước đây, bà con thường chặt hoặc bẻ cả cành to về lấy cả lá già lẫn búp khiến sản lượng chè không nhiều, chất lượng cũng không đạt mà còn gây hại cho cây.
Suốt những năm qua, vừa làm vừa xây dựng thương hiệu nên cuối năm toàn bộ số lượng chè Hợp tác xã Biên Cương sản xuất ra không đủ để bán. Tuy nhiên, chè của Mồ Sì San giới hạn ở sản lượng thu hái nên mỗi năm cũng chỉ sản xuất ra khoảng 1,5 tấn chè khô. Vì vậy, việc nâng cao giá trị các sản phẩm chè sau chế biến, tiếp cận các thị trường cao cấp, khó tính mới mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho hợp tác xã và người dân.
Một gốc chè cổ thụ cao hàng chục mét trên đỉnh Phàn Liên San. |
Ông Tẩn Chỉn Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San cho biết, giá trị cây chè cổ thụ trên đất Mồ Sì San đã được khẳng định về chất lượng, thương hiệu đặc biệt là giới thiệu được vùng đất Mồ Sì San đến người dân trên cả nước. Người dân đến nay cũng đã được nâng cao nhận thức, biết quý trọng và bảo tồn những cây chè cổ.
"Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện và sự giúp đỡ của tỉnh thực hiện các biện pháp kỹ thuật tiếp tục bảo tồn và phát triển vùng chè theo hướng an toàn và bền vững, trong đó vai trò của người dân là chủ đạo, gắn với bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển du lịch.. Qua đó, cải thiện môi trường sinh thái, tăng độ che phủ đất, đảm bảo vùng chè phát triển bền vững", ông Tẩn Chỉn Lùng nói.
Với những giá trị to lớn từ những cây chè cổ thụ, nay bà con đã học được cách hái chè và cả bảo tồn những cây chè cổ thụ này. Do vậy, có nhiều hộ mỗi lần thu hái búp chè tươi được cả triệu đồng, có thêm thu nhập và có cơ hội, điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Cũng nhờ khai thác hiệu quả vùng chè cổ thụ, hiện nay bà con đã không phá bỏ chè để lấy đất trồng thảo quả như trước kia./.