Nông sản Việt còn nhiều tiềm năng tại thị trường Thái Lan Phát triển Mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững Tiềm năng phát triển sản phẩm hạt điều đạt chuẩn OCOP |
Chè Shan tuyết được trồng tại xã Phình Hồ |
Trạm Tấu là một huyện vùng núi cao của tỉnh Yên Bái, toàn huyện hiện nay bao gồm 11 dân tộc sinh sống. Trong đó, dân tộc Mông chiếm đến 77%, dân tộc Thái là 16%, còn lại là các dân tộc khác như Khơ Mú, Tày, Mường,v,v. Tỉ lệ đất rừng tại đây tới 38.361,1 ha phù hợp với trồng những cây lâu năm có giá trị cao.
Đặc biệt, huyện Trạm Tấu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Địa hình tại vùng núi nên mùa hè nhiệt độ không cao, mùa đông thì giá rét có nơi xuống đến 0 độ C, tuyết phủ trên các cành cây và núi cao. Nhờ địa hình và khí hậu có sự khác biệt, Chè Shan tuyết Phình Hồ (xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu) đã trở thành một trong những đặc sản tại Yên Bái.
Hiện nay, tại xã Phình Hồ có khoảng hơn 300 nghìn cây chè cổ thụ gần trăm năm tuổi, tập trung chủ yếu ở các bản Tà Chừ, Phình Hồ, Chí Lư. Điểm khác biệt của giống chè này so với các loại chè là: cây chè mọc thẳng, tán rộng, cành lá xum xuê, lá chè to dày, xanh ngắt, búp mẩy, có nhiều lông tơ, trắng mịn trông như tuyết.
Ban đầu bà con nông dân xã Phình Hồ trồng chè với mục đích chống xói mòn đất và giữ gìn nguồn nước, nhờ vậy nên cây chè tại đây không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cây chè cứ lớn thuận tự nhiên nhờ sự kết tinh của mây trời. Tuy nhiên do trồng và phát triển tự nhiên nên mật độ cây chè thưa và năng suất chỉ đạt 7-8 tạ chè búp tươi/ha.
Cho đến nay, khi giá trị kinh tế của chè Phình Hồ được nâng cao hơn thì người dân đã bắt đầu chăm chút hơn cho cây chè, và cây chè đang dần khẳng định giá trị kinh tế trên đất đồi, không những giúp người dân xoá đói giảm nghèo mà còn trở thành một nét văn hoá không thể thiếu trong đời sống đồng bào Mông Phình Hồ.
Một điểm khác biệt nữa so với các loại chè khác đó là dù chè được sản xuất theo phương pháp thủ công hay công nghệ hiện đại cũng không làm mất đi chất lượng vốn có của nó. Màu nước có màu xanh vàng tự nhiên, vị thơm, khi uống thì hơi chát nhẹ nhưng sau đó lại có vị ngọt ở cổ họng.
Chè Shan tuyết Phình Hồ |
Với diện tích chè của xã Phình Hồ thì một năm sẽ thu hái được 120 tấn búp tươi, với giá bán hiện tại là trên 10.000 đồng/kg, mỗi năm thu về khoảng 1,6 tỷ đồng. Giá bình quân 1kg chè sao bằng phương pháp thủ công sẽ bán được từ 130 – 200 nghìn đồng.
Với sự quan tâm của huyện Trạm Tấu, Chè Shan tuyết được đưa vào các chương trình hội chợ tiêu thụ sản phẩm; xã Phình Hồ cũng đang xây dựng thương hiệu và phát triển vùng chè Shan tuyết cổ thụ này.
Tiềm năng của cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Phình Hồ thì đã rõ, song thực tế thì việc bảo tồn và phát triển bền vững nhằm giúp nhân dân ở xã vùng cao khó khăn này thì còn nhiều vấn đề phải bàn như: việc quy hoạch, đầu tư bảo tồn và phát triển vùng chè chưa có, khâu chế biến cũng chưa được đầu tư, sản phẩm của bà con làm ra không có nơi tiêu thụ hoặc bán giá rẻ, không tương xứng với giá trị của nó nên phải bán ra thị trường bên ngoài.
Góp phần xây dựng thương hiệu Chè Shan tuyết Phình Hồ phát triển mạnh mẽ trong và ngoài nước, huyện Trạm Tấu kêu gọi các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy chế biến chè tại Phình Hồ, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, sạch, an toàn./.