Theo Kế hoạch số 21, Chương trình của tỉnh Nam Định nhằm mục tiêu giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề của tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn của tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện 11 nhóm giải pháp xoay quanh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các làng nghề và sản phẩm làng nghề, đòng thời hỗ trợ phát triển làng nghề thông qua một số phương thức như phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… Bên cạnh đó công tác rà soát, đánh giá phân loại về dữ liệu làng nghề cũng cần được thực hiện để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là duy trì, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống đã được công nhận; công nhận mới và phát triển thêm 5-7 làng nghề gắn với du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng quản lý, quảng bá thương hiệu cho từ 3-5 nghề truyền thống, làng nghề; kinh tế làng nghề phát triển và đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Nam Định, hiện toàn tỉnh có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, có cả những làng nghề có lịch sử hình thành, phát triển gần 1000 năm. Không huyện nào trong tỉnh không có làng nghề nổi tiếng.
Trong số các huyện, thành phố nằm ở phía bắc sông Đào của tỉnh Nam Định thì Ý Yên là huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng nhất, trong đó có làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên (Yên Ninh), đúc đồng Tống Xá, Vạn Điểm (thị trấn Lâm), sơn mài Cát Đằng (Yên Tiến)… Huyện Vụ Bản thì nức tiếng với làng nghề rèn ở xã Quang Trung; nghề sơn mài, sơn then ở làng Hổ Sơn (xã Liên Minh), nghề mây tre đan ở xã Vĩnh Hào… Huyện Mỹ Lộc nổi tiếng với xã nghề làm chăn bông, may mặc Mỹ Thắng. TP Nam Định nổi tiếng với nghề làm bún Phong Lộc (phường Cửa Nam), nghề làm bánh cuốn làng Kênh, trồng hoa cây cảnh ở xã ngoại thành Nam Phong và đặc biệt là có rất nhiều phố “Hàng”…
Ở các huyện phía nam sông Đào, huyện Nam Trực nức tiếng với làng rèn Vân Chàng, cơ khí Đồng Côi, làng làm khăn xếp Giáp Nhất (thị trấn Nam Giang), làng hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá), làng nghề đồ chơi Trung Thu, hoa giấy, hoa lụa Báo Đáp (xã Hồng Quang), làng chạm vàng chạm bạc Đồng Quỹ (xã Nam Tiến), làng nghề Phở Vân Cù (xã Đồng Sơn)… Huyện Trực Ninh nổi tiếng với xã nghề Phương Định với nhiều làng nghề ươm tơ, dệt lụa như Cự Trữ, Cổ Chất, Dịch Diệp…
Huyện Xuân Trường nổi tiếng với làng nghề cơ khí Kiên Lao (xã Xuân Tiến). Huyện hải Hậu nổi tiếng với xã nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ Hải Minh, làng làm kèn đồng Phạm Pháo, nghề đan lưới, làm muối ở các xã ven biển. Huyện Nghĩa Hưng nổi tiếng với nghề khâu nón ở xã Nghĩa Châu, nghề dệt chiếu ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn; đan vó cá ở xã Hoàng Nam. Huyện Giao Thủy nổi tiếng với làng nghề làm nước mắm Sa Châu (xã Giao Châu), nghề làm muối ở các xã ven biển…
Không chỉ giải quyết việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, các làng nghề ở Nam Định còn đã và đang góp phần gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.