Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Đánh giá hiện trạng phát triển hiện nay cho thấy trên địa bàn cả nước đã hình thành một số địa bàn trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch theo 7 vùng phát triển du lịch như: Lào Cai (vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ); Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình (vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc); Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế (vùng Bắc Trung Bộ); Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận (vùng Duyên hải Nam Trung Bộ); Lâm Đồng, Đắk Lắk (vùng Tây Nguyên); Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu (vùng Đông Nam Bộ); Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau (vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Trong số 49 khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, có 23 khu vực đã được quy hoạch, một số khu du lịch quốc gia đã được công nhận cùng với nhiều khu du lịch quốc gia đang được hình thành, khai thác và phát huy hiệu quả.
Cùng với hình thành các vùng trọng điểm du lịch, đã phát triển các thương hiệu sản phẩm và thương hiệu điểm đến nổi bật để từng bước tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Việt Nam về du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái như: Hạ Long, Phú Quốc, Mũi Né, Hội An, Huế, Sa Pa, Đà Lạt…
Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã đưa ra mục tiêu tổng phát trong phát triển du lịch là: Phục hồi và phát triển nhanh, bền vững du lịch thích ứng với bối cảnh mới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng cơ bản các mục tiêu phát triển bền vững. Hình thành các trung tâm du lịch quy mô lớn, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Trước đó, tại phiên khai mạc của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia |
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, phấn đấu đón được khoảng 35 - 45 triệu lượt khách quốc tế và 150 - 160 triệu lượt khách nội địa.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đưa ra định hướng phân bố không gian hệ thống du lịch quốc gia, xác định phương hướng phân bố không gian phát triển du lịch theo các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định các khu vực động lực phát triển du lịch. Theo đó, hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng với tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế để thúc đẩy, lan tỏa sự phát triển du lịch của vùng và cả nước. Đầu tư hạ tầng hiện đại, đồng bộ nhằm phát triển các khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch trọng điểm, ưu tiên đầu tư các cảng tàu du lịch biển quốc tế. Tiếp tục tập trung đầu tư, khai thác, phát triển các khu du lịch quốc gia, đặc biệt là tại các khu vực động lực phát triển du lịch. Ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật các khu du lịch trọng điểm quốc gia. Khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, giàu sức cạnh tranh gắn với phát triển các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh ở tầm khu vực và quốc tế.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng nội dung về du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu mới tạo được lợi thế trong tương lai. Theo đại biểu Trần Quang Minh, Việt Nam đang có lợi thế lớn về mọi mặt của du lịch, dư địa còn nhiều, vì vậy cần phải tạo được sự khác biệt để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế cũng như trong nước.
Dự thảo có nêu định hướng thiết lập hành lang liên kết du lịch vùng Đông Nam Á và quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm, tuy nhiên việc phối hợp để tạo nên những tour tuyến hấp dẫn, đa dạng, phong phú giữa các vùng là điều hết sức quan trọng. Vì vậy, cần phải có nguyên tắc cơ bản quy định cho liên kết các vùng du lịch trong nước, làm cơ sở liên kết các vùng và các địa phương.
Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình |
Đại biểu cũng cho rằng cần xem xét các định hướng mang tính thực chất và khả thi hơn. Dẫn chứng mục tiêu đến năm 2030 nước ta có 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế, chỉ tiêu đưa ra trong 8 năm tới là phải gấp 13 đến 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất. Theo đại biểu, đây là vấn đề khó khi năm 2022 Việt Nam là nước mở cửa du lịch gần như sớm nhất, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân đạt rất cao nhưng chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách, trong khi đó nước láng giềng là Thái Lan đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế. Chưa kể đến tỷ lệ khách du lịch quay lại Việt Nam những lần sau tỷ lệ còn thấp.
Đại biểu Trần Quang Minh cũng đề nghị thêm về quy hoạch du lịch tiểu vùng Bắc Trung Bộ, các vùng trong cả nước cùng có điều kiện địa hình, lợi thế, ngoài sản phẩm du lịch gắn với di sản thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử, biên giới, gắn với cửa khẩu, đề nghị bổ sung du lịch xuyên biên giới, du lịch xuyên Á. Thực tế ở Quảng Bình cũng đã thiết lập và khai thác tuyến du lịch Đồng Hới - Quảng Bình - Thà Khẹc (Lào) - Nakhon Phanom (Thái Lan). Đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch du lịch cần phải có cái nhìn một cách xa hơn, rộng hơn, tận dụng và vận dụng tối đa công nghệ số thì mới có khả năng cạnh tranh thực hiện được định hướng quy hoạch trong tương lai Việt Nam nằm trong top 30 nước có ngành du lịch phát triển nhất thế giới.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ nhất trí cao với những đánh giá của Ban soạn thảo về những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua. Trong đó, có nguyên nhân vẫn còn tư duy dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Đồng thời nhất trí với các mục tiêu phát triển du lịch được nêu trong quy hoạch.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, Quy hoạch tổng thể cần khắc phục được các hạn chế, yếu kém là rào cản cho sự phát triển. Tuy nhiên, vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng.
Đại biểu chỉ rõ, trong 6 vùng không gian phát triển nhưng sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau. Đại biểu cho rằng đây có vẻ là sự liệt kê tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng mà không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính, nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng.
“Vùng nào có biển đảo thì lại được xác định sản phẩm du lịch chính là du lịch biển đảo, có 4/6 vùng liệt kê sản phẩm du lịch chính là biển đảo, có 5/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái và trên 6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch biên giới gắn với cửa khẩu”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.
Định hướng phát triển du lịch: Cần đậm nét và có chiều sâu tạo lợi thế trong tương lai |
Nhấn mạnh chính vì cố gắng liệt kê hết những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng nên sản phẩm du lịch chính của mỗi vùng lại quá nhiều, đều từ 10 sản phẩm trở lên, theo đại biểu, sự ôm đồm một cách an toàn này lại khiến cho việc quy hoạch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, chưa đúng với quan điểm về tổ chức không gian phát triển.
Do đó đại biểu đề nghị có sự rà soát lại các sản phẩm du lịch chính của mỗi vùng theo hướng xác định những sản phẩm thực sự nổi trội, chứ không cần sự liệt kê triệt để và có phần còn lộn xộn tất cả các sản phẩm du lịch của các vùng. Khi xác định được sản phẩm du lịch chính mới có thể có phương hướng, kế hoạch tập trung để đầu tư phát triển.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các khái niệm về sản phẩm du lịch, bởi còn có sự lẫn lộn trong khái niệm, những sản phẩm được liệt kê như nghỉ cuối tuần, thư giãn cuối tuần, du lịch cuối tuần không thực sự là khái niệm sản phẩm du lịch, không cùng loại với các sản phẩm du lịch khác như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.