![]() |
Để tăng trưởng GDP 8%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi. |
Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động lớn, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 9/4, Chính quyền Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ 86 quốc gia, trong đó hàng hóa từ Việt Nam chịu mức thuế lên tới 46%. Mặc dù chính sách thuế đối ứng sau đó đã được tạm hoãn 90 ngày, nhưng những diễn biến này đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam và đặt ra vấn đề cấp bách về việc củng cố thị trường trong nước.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có những phản ứng chính sách chủ động, kịp thời và hiệu quả. Nghị quyết 77 ngày 10/4/2025 của Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên; trong đó, đề ra loạt nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng, khai thác tối đa thị trường trong nước; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nền kinh tế đang "dễ bị tổn thương"
Sáng 25/4, phát biểu tại Toạ đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước", ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nhấn mạnh đến vai trò của tiêu dùng nội địa đối với tăng trưởng GDP, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025.
Cùng với sự tăng trưởng của GDP, tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng tăng dần trong các năm. Nếu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 là gần 4,4 triệu tỷ đồng thì con số này đến năm 2024 đã đạt 6,39 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.
Ông Thắng nhấn mạnh tín dụng và tiêu dùng nội địa có quan hệ chặt chẽ với nhau. Như trong năm 2024, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng thường chiếm tỷ lệ 12-15% trong tổng tín dụng cả nước.
Song theo đại diện Eximbank, chi tiêu hộ gia đình vẫn tăng, nhưng tỷ trọng so với GDP lại đang giảm cho thấy người dân dường như có xu hướng chi tiêu ít hơn so với quy mô của nền kinh tế, không đi cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP.
Tín dụng toàn nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều, tuy nhiên tốc độ tăng dư nợ cho vay tiêu dùng đang chậm lại. Tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng/tổng dư nợ toàn nền kinh tế cũng giảm. Tổng dư nợ năm 2023 là gần 15%, nhưng đến năm 2024 tỷ trọng này lại giảm về còn 12%.
"Nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu mà thiếu sức cầu nội địa ổn định sẽ dễ bị "tổn thương" trước các "cú sốc toàn cầu". Cú sốc này cũng được thể hiện ở thị trường vốn và thị trường tiêu dùng nội địa", ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cho rằng, nếu chỉ "bơm" tín dụng tiêu dùng mà không có các giải pháp thực chất để tăng thu nhập và niềm tin tiêu dùng, thì dòng tín dụng sẽ không phát huy hết tác dụng lan tỏa đến kinh tế thực. Đồng thời, khi tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình yếu, toàn bộ nền kinh tế mất đi "trụ đỡ" quan trọng, tăng trưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu – vốn dễ tổn thương trước biến động toàn cầu.
Đảm bảo cung cầu, khuyến khích mô hình kinh doanh mới
![]() |
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương. |
Nói về giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết để đạt tăng trưởng GDP 8% thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức khi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch COVID-19.
"Với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái", ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Với tình hình trong nước và quốc tế, Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất giải pháp.
Cụ thể, kích cầu tiêu dùng nội địa. Với chiến dịch truyền thông quốc gia, tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, nhấn mạnh chất lượng và giá trị của hàng hóa nội địa.
Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Chính sách tài chính ưu đãi được đề xuất bao gồm, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Cùng với đó Bộ Công Thướng sẽ đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường. Theo ông Tuấn, Bộ Công Thương dự kiến xây dựng nền tảng dữ liệu để theo dõi cung-cầu và giá cả, ứng dụng công nghệ hiện đại để dự báo và ngăn chặn rủi ro thiếu hụt hoặc tăng giá bất hợp lý.
Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa, như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng, và chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển thị trường trong nước…
Cùng với đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và sản xuất bền vững.
Đề xuất các bộ, ngành liên quan rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa quy trình chuỗi cung ứng và hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc tế. Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia tích cực vào các chương trình kích cầu, áp dụng công nghệ số và ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt Nam.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ đảm bảo tính khả thi của kế hoạch, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và củng cố vai trò của thị trường trong nước.