Xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2022 |
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh Hưng Yên đạt gần 61 nghìn tỷ đồng, tăng 61,07% so với năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2022 tăng 3,35 % so với năm 2021. Cân đối cung - cầu hàng hoá được bảo đảm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.
Nét đặc trưng trong hoạt động thương mại của tỉnh là phát triển nhanh hệ thống bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong điều kiện bình thường mới, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã linh hoạt các giải pháp phù hợp để ổn định phát triển hoạt động kinh doanh; chủ động đón đầu xu hướng để khai thác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, qua đó tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh và tăng cường đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 12 chợ thành thị, 90 chợ nông thôn, 2 chợ đầu mối và hàng chục trung tâm thương mại, siêu thị cùng hàng loạt các cửa hàng tự chọn ở khắp các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh.
Với hệ thống thương mại này, cùng các loại hình bán lẻ của tỉnh tạo nên bức tranh thương mại nội địa sôi động, đầy gam màu sáng, qua đó, thúc đẩy giao thương, hình thành các kênh lưu thông hàng hóa thông suốt từ thành thị đến nông thôn, giúp người dân tiếp cận và hình thành thói quen tiêu dùng văn minh.
Đồng thời tạo điều kiện để tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy phát triển thương mại nội địa, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Hưng Yên chủ động cân đối cung - cầu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa |
Để đạt được kết quả tích cực đó, ngành Công Thương và các ngành liên quan của tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nghiêm các biện pháp chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh thúc đẩy tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quản lý tốt thị trường, tích cực đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn gian lận thương mại và nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân trở thành người tiêu dùng thông thái…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo, đầu tư có trọng điểm, chọn ngành, mặt hàng kinh doanh phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ của tỉnh trong năm qua có nhiều tín hiệu khởi sắc, thể hiện sự phục hồi và phát triển sau ảnh hưởng dịch Covid-19.
Năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt phương án sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ;
Triển khai có hiệu quả quy hoạch về hạ tầng thương mại, bảo đảm cơ hội phát triển của các doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Chủ động cân đối cung - cầu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, thương mại điện tử…