Theo đó, đại diện hội viên nông dân ở các địa phương trong tỉnh Hưng Yên kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương những vướng mắc, bất cập trong tiêu thụ nông sản, chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường vùng nông thôn, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân...
Ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ động tham mưu với tỉnh và chỉ đạo tổ chức triển khai khá đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các đề án, dự án; trong đó có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, người trực tiếp làm nông nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đối thoại với người dân |
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nông nghiệp nhằm hỗ trợ người dân trong việc quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ, mở rộng thị trường phân phối. Cụ thể, năm 2021, đã hỗ trợ 2,7 tỷ đồng tổ chức các Hội nghị, hội thảo xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tham gia Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, nhà vườn tham gia các Hội chợ, triển lãm.
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ trên 3 tỷ đồng nhằm phát huy và đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại phù hợp, nâng cao hơn hiệu quả xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ người dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; phối hợp với các tỉnh, thành phố đưa các đoàn doanh nghiệp về kết nối, thăm vùng sản xuất tại tỉnh; đưa đoàn doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà vườn trên địa bàn tỉnh đi tham quan, học tập mô hình ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Đồng thời, tổ chức các Hội nghị kết nối cung – cầu, kết nối trực tiếp người sản xuất với người thu mua, tạo môi trường để hai bên có thể trao đổi, chia sẻ. Từ đó có những định hướng thiết thực, hỗ trợ được sát và hiệu quả với nhu cầu thực tế, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các đề án, dự án, kế hoạch đã được duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tham quan các gian hàng |
Một số hội viên nông dân cũng đề nghị hệ thống ngân hàng, tổ chức Hội nông dân các cấp hỗ trợ nông dân được vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, tăng số vốn vay và các nguồn vốn vay đa dạng hơn.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hưng Yên cho hay, trong những năm qua ngân hàng đã cho vay tới các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Căn cứ nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là nông dân trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tích cực trình Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương bổ sung vốn, đồng thời phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh chuyển ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Đến 30/11/2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt hơn 3.469 tỷ đồng với gần 69.000 khách hàng còn dư nợ, tỷ lệ tăng 12,8% so với năm 2021.
Thời gian tới Ngân hàng tiếp thu đề nghị của nông dân, trong thời gian tới Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2022-2025, đối ứng với nguồn vốn Trung ương để tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.