Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 5 cho Nga Xuất khẩu chè 8/2021 giảm mạnh do dịch COVID-19 Xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 7 đạt 10.000 tấn |
Giá xuất khẩu chè quý III/2021 tăng 5,5% so với cùng kỳ |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, xuất khẩu chè trong quý III/2021 đạt 33,5 nghìn tấn, trị giá 58,43 triệu USD, giảm 16,5% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với quý III/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý III/2021 đạt 1.744 USD/ tấn, tăng 5,5% so với quý III/2020.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, chè xuất khẩu đạt 91,6 nghìn tấn, trị giá 153,3 triệu USD, giảm 6,6% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1.673,5 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu chè trong quý III/2021 giảm mạnh do hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Triển vọng xuất khẩu chè trong quý IV/2021 sẽ khả quan hơn, bởi hiện tại dịch bệnh đang dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất đã bắt đầu phục hồi trở lại từ cuối tháng 9, nhu cầu thị trường tăng vào dịp cuối năm khi mùa lễ tết đến gần.
Tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam theo quý giai đoạn năm 2019 – 2021
(ĐVT: Triệu USD)
Nguồn: Tính toán theo số liệu từ Tổng cục Hải quan |
Về thị trường, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu chè sang khu vực châu Á với trị giá chiếm 80,6% tổng xuất khẩu chè trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng xuất khẩu chè tới các khu vực khác như châu Âu, châu Phi, châu Đại Dương trong 9 tháng đầu năm 2021 đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, chỉ có châu Mỹ là có tỷ trọng tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Châu Âu là khu vực có tỷ trọng giảm mạnh nhất do tác động tiêu cực bởi tình hình dịch bệnh, các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại các thị trường thuộc khu vực châu Âu, cụ thể là các thị trường như EU, Nga càng ngày càng nghiêm ngặt hơn, do đó xuất khẩu chè sang các thị trường này gặp nhiều khó khăn.
Cơ cấu xuất khẩu chè sang các châu lục
(ĐVT: % theo trị giá)
Nguồn: Tính toán theo số liệu từ Tổng cục Hải quan |
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực về canh tác sản xuất chè, nhưng hiện nay ngành chè vẫn còn đối mặt với khó khăn như quy mô sản xuất chè còn nhỏ lẻ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp.
Sản xuất chè nhỏ lẻ nên khó tiếp cận với các kỹ thuật mới, hiện đại và chứng nhận chè an toàn. Do đó, để ngành chè phát triển mạnh trong thời gian tới cần nâng cao năng suất, chất lượng chè bằng cách thay đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới.
Đồng thời, đầu tư công nghệ để chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm chè tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp chế biến chè và người trồng chè cần có sự liên kết từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến. Đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu chè sang các thị trường chủ lực.