Thị trường tranh mua tránh bán, dìm nhau
Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” do Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết năm 2022, sản lượng chè sản xuất đạt 194.000 tấn. Trong đó, 146.000 tấn được xuất khẩu, thu về 237 triệu USD. Trong khi đó, 48.000 tấn tiêu thụ trong nước, giá trị đạt hơn 7.500 tỷ đồng, tương đương 325 triệu USD.
Năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt khoảng 121.000 tấn, mang về 211 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình đạt khoảng 1.737 USD/ tấn, có tăng nhẹ so với năm 2022.
Cũng theo ông Mạnh, hiện nay, Việt Nam chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chủ yếu là chè đen và chè xanh. Sản phẩm chè của Việt Nam được xuất đi khoảng 70 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng giá chè xuất khẩu bình quân chỉ bằng khoảng 65% giá của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Srilanka.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên thích hợp để trồng chè |
Cụ thể, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 1,7 USD/kg, trong khi giá trung bình thế giới 2,6 USD/kg, đang ở biên độ thấp so với thế giới.
Thẳng thắn nhìn vào bức tranh sản xuất và tiêu thụ chè tại Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhìn nhận, giá chè xuất khẩu của Việt Nam thấp nhưng giá nội tiêu lại không hề thấp, bình quân là 4 USD/kg.
Chè Việt Nam giá rẻ hiện nay chính là chè xuất khẩu. Cả thế giới đang nhìn vào Việt Nam với thị trường chè giá rẻ, đổ xô đến để mua nguyên liệu, tìm kiếm lợi nhuận lớn.
"Ngành chè xuất khẩu của Việt Nam đang trong tình trạng dễ mua dễ bán, tranh mua tranh bán nên rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới", ông Long cho hay.
Phân tích về nguyên nhân khiến giá chè xuất khẩu thấp, theo ông Long, ngành chè Việt Nam có thời kỳ quá dài chưa đổi mới được, nhiều vùng sản xuất chè tập trung nông - công nghiệp bị phá vỡ. Một vùng nguyên liệu nhưng có quá nhiều nhà máy nhỏ, đầu tư công nghệ không cơ bản, chắp vá và chỉ hướng đến để làm chè giá rẻ.
Ông Long lấy dẫn chứng, có tỉnh hiện có đến hơn 100 nhà máy chế biến chè, hay cao điểm như 1 xã vùng chè ở Nghệ An có đến 30 nhà xưởng chế biến.
Cũng theo ông Long, chè xuất khẩu giá rẻ do vẫn còn doanh nghiệp tranh mua, tranh bán, tự dìm lẫn nhau. "Có khách nước ngoài đến mua chè xanh của doanh nghiệp A với giá 2,6 USD/kg, nhưng khi sang đến doanh nghiệp B sẵn sàng hạ giá xuống 2,59 USD/kg, bán như thế là phá giá, không vì phát triển chung", ông Long bày tỏ.
Phát triển bền vững, gắn với sinh thái và ATTP
Còn theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Lai Châu là địa phương có điều kiện tự nhiên và đất đai thuận lợi, trong đó có 7/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam nên rất thích hợp đề trồng chè.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10.500ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 8.400ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 7.000ha, chiếm 67% tổng diện tích.
Tuy nhiên, ngành chè Lai Châu còn những hạn chế, yếu kém. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Các cơ sở chế biến chè của tỉnh có quy mô nhỏ, các sản phẩm chè chế biến chủ yếu là dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp; thị trường tiêu thụ còn hạn chế, dẫn đến giá thành còn thấp.
Đặc biệt, theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, trung bình mỗi năm tỉnh này tiêu thụ khoảng 100 tỷ đồng tiền than phục vụ riêng cho ngành chè, như vậy rất không ổn.
Cùng chung nhận định này, một doanh nghiệp xuất khẩu chè lớn nhất nhì cả nước cho hay, muốn thành công hơn nữa với chè thì phải thay đổi tư duy, từ xuất khẩu chạy theo số lượng sang chất lượng.
"Nếu không xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng, không liên kết sản xuất, không chú trọng đầu tư công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu thì chè xuất khẩu không thể có giá bán cao được, không bao giờ thoát ra khỏi bẫy giá rẻ của thế giới", ông Long nói.
Còn ông Hà Trọng Hải cũng cho hay, thời gian tới Lai Châu tập trung phát triển bền vững cây chè theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Song song với đó, phát triển du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra 1 kênh tiêu thụ chè tại chỗ thông qua du lịch.