Giá cau tăng vọt nhà vườn lộ bí quyết không lo dội hàng, trồng đâu thắng đó Giá cau non tăng nhẹ, cao nhất 10.000 đồng/kg Vì sao giá cau tươi tăng chóng mặt? |
Giá cau tươi bất ngờ trở thành câu chuyện thời sự ở nhiều vùng quê. Ảnh TPO |
Giá cau bất ngờ tăng cao chưa từng thấy
Ông Trần Văn Nam (trú xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, nhiều năm trước, giá cau bấp bênh, có thời điểm xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, giá cau bất ngờ tăng cao chưa từng thấy nên ông rất phấn khởi.
Gia đình ông Nam có vườn cau hơn 300 cây đang cho trái. Trung bình mỗi lần bán cau, ông thu về hơn 20 triệu đồng.
"Cau cho trái sau khoảng 5-6 năm, thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến cuối năm. Mỗi tháng có thể bán hai đợt, mỗi lần khoảng 250-300kg. Giá cau năm nay cao nên nhiều nhà vườn trúng lớn. Nếu giá tiếp tục tăng và neo đến cuối mùa thì người trồng cau số lượng lớn có thể kiếm cả tỷ đồng", ông Nam nói.
Niềm vui mùa cau cũng đến gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Bà Hà chia sẻ, từ đầu mùa đến nay, thương lái đã đến thu mua tới 6-7 lượt cau tại nhà, mỗi lần từ 2-3 tạ cau tươi với giá cau dao động từ 60.000-85.000 đồng.
Chưa kết thúc vụ quả, nhưng tính đến nay việc bán cau đã mang lại cho gia đình bà Nguyễn Thị Hà gần 100 triệu đồng.
"Với mức giá cau tươi như hiện tại, mỗi cây cau có thể mang lại lãi cả triệu đồng.
Mọi năm giờ này người ta chỉ quan tâm tới giá sầu riêng, cà phê nhưng năm nay giá cau tăng cao khiến người làm nông như chúng tôi vô cùng phấn khởi. Bà con đều kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống", bà Hà nói.
Ông Phạm Văn Nhưỡng (xóm 6, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết, hằng năm, gia đình ông duy trì ổn định khoảng 1.000 cây cau đang cho thu hoạch. Trong số đó, có hàng trăm cây tuổi đời gần 40 năm, song vẫn đơm hoa, kết trái, buồng sai trĩu quả.
Theo ông Nhưỡng, ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá cau tươi đã tăng phi mã, hiện đang ở mức cao, trên 80.000 đồng/kg.
“Giá cau năm nay tăng phi mã, nên ai cũng vui, phấn khởi. Dự kiến giá cau tươi sẽ tiếp tục còn lên nữa, vì nguồn cau tươi hiện không đáp ứng đủ nguồn cung cho các lò sấy cau ở địa phương”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Cau được giá, các hộ dân đầu tư máy móc công nghiệp, nâng cấp thành các cơ sở sơ chế quy mô phục vụ việc hấp cau.
Các cơ sở thu mua cau đang hoạt động hết công suất. Ảnh Vietnamnet |
Ông Vương Văn Đức (53 tuổi) là chủ lò sấy cau ở xã Hải Đường cho biết, ông đã làm nghề sấy cau được hơn 30 năm nhưng năm nay là năm giá cau tăng cao kỷ lục.
"Thời điểm này, thương lái Trung Quốc đang thu mua rất nhiều cau sấy nên từ đầu tháng 10 tới giờ, lò sấy nhà tôi hoạt động hết công suất, cứ có cau tươi về là lò sấy và công nhân làm việc. Các lò sấy áp dụng công nghệ sấy theo dây chuyền lò hơi, sấy liên tục 3 ngày 3 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm để có được sản phẩm cau khô thành phẩm. Để cau khô đạt chuẩn, nhiệt độ lò sấy duy trì khoảng 60 độ.
Theo tỉ lệ, 5kg cau tươi sẽ cho ra khoảng 1kg cau khô, giá cau khô đang ở mức 450.000 - 500.000đồng/kg. Vụ cau năm nay nhà tôi dự kiến làm khoảng 1.500 tấn cau tươi", ông Đức chia sẻ.
Dù không phải là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư, nhưng theo thống kê của VINAFRUIT, trong tháng 8.2024, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD, tăng 1.240% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế 8 tháng của năm 2024 đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%. Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 13 của Việt Nam trong 8 tháng qua; trên cả hạt hạnh nhân, quả vải, mắc ca và chôm chôm.
Thị trường Trung Quốc còn rất nhiều dư địa cho rau quả Việt Nam tăng tốc
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Trong số 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản, hiện Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 và chiếm 20,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó, có mặt hàng rau quả nói chung, trái cây nói riêng, từ nhiều năm nay Trung Quốc đang đứng ở vị trí Top đầu trong số các thị trường xuất khẩu.
Năm 2023, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 3,6 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã đạt 3 tỷ USD, gần bằng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm 2023.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đánh giá, trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Điểm mạnh của chúng ta là chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới, được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù của Việt Nam. Nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, thanh long, vải, nhãn, chuối... được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng từ lâu.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, Việt Nam - Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có có chung hàng nghìn km đường biên giới. Người dân Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về văn hóa và lối sống.
Trung Quốc là một thị trường bao la, rộng lớn với những nhu cầu đa dạng. Việt Nam là đất nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất các loại trái cây đặc sản nhiệt đới. Người tiêu dùng Trung Quốc đã quen thuộc với các trái cây Việt Nam như: Sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít, vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt, vú sữa…
“Với tiềm năng to lớn và tốc độ tăng trưởng cao trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam tự tin có thể đáp ứng những yêu cầu to lớn và đa dạng của thị trường Trung Quốc hiện tại và tương lai”, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất thế giới.
Thị trường Trung Quốc còn rất nhiều dư địa cho rau quả Việt Nam tăng tốc. |
Tuy nhiên, hiện nay, trái cây của Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu tới các tỉnh phía Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây hay Vân Nam. Do đó, còn cả một thị trường rộng lớn ở phía Bắc Trung Quốc đang mở ra cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD trong cả năm 2024. Riêng mặt hàng sầu riêng, ước tính đến hết tháng 9/2024 đã vượt mốc 2,5 tỷ USD, và dự kiến có thể đạt hơn 3 tỷ USD khi kết thúc năm 2024.
Với xu hướng tăng trưởng hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai.
Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi việc mở rộng danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cũng như sự phát triển của các sản phẩm chế biến như sầu riêng đông lạnh và sấy.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội thị trường, ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, rau quả Việt cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều cũng như sản lượng chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thương mại để phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.
“Nếu đưa được trái cây Việt Nam lên phía Bắc của Trung Quốc, xuất khẩu trái cây sang thị trường này sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa”, ông Nguyễn Quang Hiếu nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để có sự phát triển bền vững tại thị trường này, điều quan trọng hàng đầu là chúng ta phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng, và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi mà chúng ta cần tập trung phát triển và duy trì.
Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng trung thành, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam.
Đại lý giải phóng bớt lượng tiêu dự trữ trong kho để lấy vốn thu mua cà phê |
Hàng hóa Việt Nam sẽ tiến sâu hơn vào thị trường tỉ dân |
Giá tiêu trong nước có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới |