Nhà vườn ĐBSCL lại đau với trái cau xuất khẩu Giá cau tại Quảng Nam ổn định ở mức cao Trung Quốc đẩy mạnh thu mua, giá cau non tăng mạnh, cảnh báo hệ lụy khi ồ ạt trồng cau |
Ông Nguyễn Ngọc Tần là người trồng cau nổi tiếng ở xã Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, mỗi tháng lãi hơn 40 triệu đồng. |
Giá cau tươi tăng vọt sau Tết
Thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc tăng thu mua quả cau tươi của Việt Nam khiến loại quả này có giá lên đến 26.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu khan hiếm.
Theo các nhà vườn, cau non sau khi mua về, người ta thường lựa những trái đạt chất lượng (hạt nhỏ hoặc không có hạt) luộc ở nước sôi, rồi sấy khô đóng vào bao chuyển sang thị trường Trung Quốc làm kẹo. Loại kẹo cau này ăn có vị ngọt ngọt, the the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Tại ĐBSCL giá trái cau thương phẩm bắt đầu tăng giá trở lại từ vài tuần gần đây. Do nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo, dược liệu... Trái cau (loại vú bò) giá trên 15.000 đồng/kg, các loại cau khác giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trái cau tăng gần 10.000 đồng/kg và nếu so với cây dừa, cây cau đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thương lái vào tận vườn thu gom cau tươi. |
Tại Nghệ An, hiện nay, thương lái đang thu mua cau quả, chủ yếu là cau non với giá từ 8.000-12.000 đồng/kg, cao gấp 4-5 lần so với thời điểm tháng 11/2022 song vẫn chỉ bằng 1/5 so với năm 2021.
Một hộ trồng cau ở xóm Nho Sơn (xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương) cho biết, hiện có 600 gốc cau, trong đó có 400 gốc đã cho quả. Từ đợt sau Tết có 50 cây cho thu hái, dự kiến khoảng 4 tạ quả, hiện thương lái đã đặt mua với giá 10.000-12.000 đồng/kg (tuỳ loại). Thương lái thường chọn cau quả dài, hạt đặc, dẻo, còn non thì họ mua giá cao hơn.
Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), những ngày đầu năm 2023, thị trường Trung Quốc bắt đầu tăng mua cau non trở loại có thể do nhu cầu tiêu thụ quả này tăng đột biến nhưng rất có thể hiện tượng này thỉ mang tính đột biến và nhất thời chứ không theo quy luật thị trường như các nông sản xuất khẩu khác.
Cau được sấy khô rồi xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Trước tình trạng giá cau non tăng cao, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, điều này rất có thể khiến người dân trồng cau một cách ồ ạt, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa. “Nếu muốn phát triển cây cau thì chính quyền địa phương phải có định hướng, phải trồng ở những vùng có lợi thế và phải đầu tư bài bản chứ đừng thấy giá cau đắt là chỗ nào cũng trồng. Như thế sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa. Bên cạnh đó, phải có ký kết thu mua của các doanh nghiệp của Trung Quốc chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái, tiểu thương theo đường tiểu ngạch”, ông Nguyễn Như Cường khuyến nghị.
Bí quyết không lo dội hàng rớt giá
Do dễ trồng, năng suất cao và có lãi nên gần đây nhiều nông dân ở các địa phương vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng... mua giống trồng thêm diện tích cây cau. Tuy nhiên nhiều nhà vườn đã có cách làm sáng tạo, vừa tăng thu nhập từ cau xuất khẩu vừa không lo dội hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Tần, nông dân ở xã Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) những năm qua trồng cây cau vú bò, xen với canh cây bưởi da xanh trên diện tích gần 7.000m2 đất đã cho kinh tế cộng hưởng và không bị rủi ro khi giá cau sụt giảm. Ông Tần cho biết, giá cau 15.000 đồng/kg so với cây dừa thu nhập cao hơn nhiều. Nhưng không nên trồng cau chuyên canh, mà nên trồng xen canh vì cây cau không ăn đất và ăn phân nhiều.
Giữa các luống cau, ông Tần trồng xen bưởi da xanh, nuôi ốc bươu đen tăng thu nhập. |
“Trồng cau nên trồng xen với cây trồng khác và trồng theo ranh, ví dụ như trồng hàng cau xen hàng dừa hay hàng bưởi hoặc tận dụng những diện tích đất trống sẽ trồng xen vào cây khác để có thêm thu nhập và tránh rủi ro. Như vườn của gia đình trồng bưởi xen cau, khi cây bưởi cho trái sẽ không quá lo lắng về thu nhập của cây cau”, ông Tần tiết lộ.
Trước tình trạng nhiều người dân ở các địa phương ồ ạt trồng cau, các ngành chức năng đã khuyến cáo, do đầu ra trái cau chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang duy nhất thị trường Trung Quốc, nên nhà vườn không vội mở rộng diện tích. Giải pháp hiệu quả nhất để tránh rủi ro là chỉ nên trồng xen canh với các loại cây ăn trái khác, để tránh rủi ro và cho kinh tế cộng hưởng./.