Don là món ăn không chỉ có cái tên lạ mà còn mang cả hơi thở và cuộc sống của con người Quảng Ngãi. Tùy vào sở thích ăn uống cũng như khẩu vị mà mỗi thực khách sẽ có cảm nhận riêng về don, nhưng chắc chắn món ăn sẽ mang đến sự trải nghiệm mới lạ về vị giác.
Don thuộc họ nhuyễn, thể hai mảnh, vỏ nửa đen nhạt nửa vàng lợt, hình quả trám, to bằng móng tay út người lớn, dài hơn một phân. Vỏ don thường mỏng hơn các loài ốc khác. Ruột don màu vàng và có những tua hồng bao quanh. Don nằm sâu dưới cát (khoảng 5 phân), mỗi năm chỉ nổi lên một lần với mực nước ngập khoảng một mét.
Đặc sản don Quảng Ngãi
Don chỉ có ở hai con sông lớn của Quảng Ngãi là sông Trà và sông Vệ. Loài don thường sống rải rác khắp nơi, lòng sông, bờ sông... và đông đúc nhất là ở khu vực gần các cửa sông. Điểm tập trung sinh sống ưa thích của don là môi trường đất cát. Thường vào mùa khô hạn khoảng tháng 4 đến tháng 5, người dân xung quanh hai con sông mới vào mùa cào don. Nhưng có khi vào tháng 7 don cũng xuất hiện nhiều. Don sống vùi trong cát nên việc cào don rất cực khổ với người dân. Có những hôm gặp nước lớn, người cào don phải ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ mà cũng không bắt được nhiều.
Với đặc sản don phải trải qua quá trình dài, kỳ công, vất vả từ khâu khai thác đến chế biến để có được một tô thức ăn ưng ý phục vụ khách.
Phát xuất từ thực tế đó, anh Phạm Văn Tâm (43 tuổi) ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa đã nghĩ ra ý tưởng đầu tư hệ thống sản xuất, đóng gói don khô, ăn liền giúp rút ngắn thời gian, công sức, góp phần làm đa dạng mẫu mã, nâng tầm giá trị sản phẩm quê hương. Để thực hiện ý tưởng, anh Tâm đã thành lập Hợp tác xã Don Nghĩa Hà.
Dây chuyền sản xuất Don ăn liền. Ảnh TTXVN
Đến năm 2020, hợp tác xã Don Nghĩa Hà đi vào hoạt động sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan. Anh Tâm đã đầu tư cả chục tỷ đồng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại phục vụ quá trình sản xuất don đóng gói. Mỗi ngày, hợp tác xã thu mua khoảng 500 kg đến 1 tấn don tươi của bà con trong tỉnh. Số don này được đem đi rửa sạch bằng máy, sau đó được nấu chín, hấp khử trùng đợt đầu rồi đãi lấy ruột, lọc cát. Công đoạn này đòi hỏi phải tỉ mẫn bởi nó quyết định đến chất lượng thành phẩm.
Sau đó, don sẽ được đưa vào phòng chiết rót để đóng gói, rồi đưa vào máy sấy khô, tiệt trùng ở nhiệt độ lên tới 121 độ C. Cuối cùng là chuyển sang phòng đóng gói để cho ra thành phẩm. Với lượng don này, hệ thống sản xuất được khoảng 5.000 gói don/ngày. Mỗi gói don ăn liền có trọng lượng 120g, với giá khá bình dân 15.000 đồng/gói, tương đương với giá thành tô don các hàng quán hay bày bán.
Don đóng gói, ăn liền do hợp tác xã làm ra vẫn giữ nguyên hương vị như cách nấu truyền thống. Đặc biệt, với hình thức chế biến này, sản phẩm mang tính tiện lợi, dễ dàng sử dụng (như cách pha chế mì tôm gói), nhiều khách hàng vì thế mà lựa chọn. Những mẻ don gói đầu tiên vừa mới ra “lò” đã được người dân trong xã đặt hàng, mua về thưởng thức.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Tâm cho biết: “Ban đầu tôi hướng đến thị trường Sài Gòn, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên là chính vì ở đó có người Quảng xa quê khá nhiều. Sắp tới, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh thu mua nguồn don tươi với số lượng 10 tấn/tháng và sẽ sản xuất hơn 150.000 gói don/tháng; trong đó chú trọng đến việc đưa sản phẩm vào siêu thị. Khi ổn định thị trường sẽ phân phối khắp cả nước và sẽ hướng tới xuất khẩu”.
Linh Anh