![]() |
Lão nông với tuyệt chiêu mỗi gốc cây vài bình nước cứu vườn sầu riêng thoát hạn mặn. |
Chiến thuật lạ, mỗi gốc cây vài bình nước
Chiến thuật lạ của lao nông Trần Văn Nghĩa (thường gọi Mười Nghĩa) có thể nói ngắn gọn “mỗi gốc cây vài bình nước” tuy đơn giản vậy nhưng lại là kỳ tích vượt hạn, mặn cho vườn sầu riêng.
Còn nhớ đợt hạn mặn năm 2020, ông Mười Nghĩa có 1ha sầu riêng đã hơn 20 năm tuổi đang mang trái. Trong tình thế hết sức nguy ngập, ông đã cầu cứu đến các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ. Các thầy đã mách ông Nghĩa dùng bình nước tưới nhỏ giọt để cứu cây.
![]() |
Đợt hạn mặn 2020 nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang bị chết khô phải đốn bỏ. |
Vườn ông có 150 gốc, mỗi gốc dự định đặt 4 bình nên cần cả thảy 600 bình mới đủ. Ông Nghĩa thu gom hết các bình nước lọc dung tích 20 lít trên cả cù lao nhưng không đủ bởi người ta không bán bình cho ông. Sau đó ông tìm đến tận các đại lý đổi nước ngọt ở xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè (cách Tân Phong mấy chục cây số) để đặt mua cho đủ số lượng. Có được đủ số lượng bình như dự định, ông ra các đại lý vật tư y tế mua dây truyền dịch để lắp vào bình nước nhỏ giọt đêm ngày cứu cây.
Ông Nghĩa chia sẻ, mỗi bình 20 lít nước tưới nhỏ giọt theo cách trên sẽ dùng được trong một ngày đêm. Mỗi ngày ông cần dùng 12 khối nước để cung cấp cho cây. Năm đó, ông Nghĩa chỉ thuê ghe chở nước vài đợt về dự trữ đã đủ tưới cho 1ha cây sầu riêng cả mùa hạn.
Vị chi ông chỉ tốn hơn 40 triệu đồng tiền mua bình và thuê ghe chở nước ngọt nhưng hiệu quả rõ rệt, cây đang mang trái nhưng vượt qua hạn – mặn tốt, không có cây nào thiệt hại. Trong khi nhiều hộ dân thuê ghe chở nước tốn cả trăm triệu đồng hay như một vài hộ mua máy lọc nước mặn tốn 800 triệu nhưng cả vườn gần như chết ráo trọi.
![]() |
Sau vụ hạn mặn, vườn sầu riêng của ông Mười Nghĩa vẫn xanh tốt và sai trái. |
Bí quyết đơn giản mà hiệu quả bất ngờ
Ông Nghĩa nói dù phương pháp đơn giản là vậy nhưng điểm mấu chốt để thành công là vị trí đặt bình nước không được xê dịch. Bởi khi tưới nước nhỏ giọt lượng nước chỉ ngấm đủ ở một vùng nhỏ, rễ cây sẽ tập trung lại đây để hút nước. Nếu vị trí xê dịch sẽ không đạt hiệu quả. Trong quá trình này, ông còn dùng dung dịch dinh dưỡng hữu cơ sinh học như đạm cá với liều lượng thấp để bổ sung thêm cho cây.
Xung quanh mỗi gốc cây sầu riêng, tùy cây lớn nhỏ, ông đặt vài bình nước. Dưới đáy bình nước, ông lắp một van để điều tiết nước ra. Cách làm này giống như hệ thống tưới nhỏ giọt. Cứ 2 ngày, hết một bình nước, ông lại châm nước vào bình.
Quan trọng, trong quá trình tưới cây không được dời bình nước. Theo ông Mười Nghĩa, dời bình là cây chết. Cây sầu riêng đang khát nước, khi đặt bình tưới cây, rễ cây sẽ vươn ra nhận nước. Nếu dời bình tưới, rễ cây sẽ đuổi theo mà không nhận được nước nuôi cây.
Bằng cách làm này, vườn sầu riêng của ông Mười Nghĩa vượt qua hạn mặn mà không chết một cây. Bởi vậy, sau đợt hạn, mặn là ông tiến hành làm trái. Cây vẫn cho năng suất trái bình thường.
![]() |
Ông Mười Nghĩa luôn theo dõi tình hình thời tiết và chuẩn bị bình nhựa sẵn sàng chống hạn mặn cho cây sầu riêng. |
Cũng từ cách làm độc đáo trên, ông Nghĩa đã giúp cho một số hộ nông dân xung quanh và ở cù lao Ngũ Hiệp (cũng thuộc huyện Cai Lậy) vượt hạn - mặn thành công. Vườn ông liên tục 3 năm nay vẫn cho trái đều đặn, dù sau hạn mặn có giảm đôi chút sản lượng. Mùa mặn năm đó, vườn sầu riêng của ông thu hoạch được 15 tấn, bán được giá 46.000 đồng/kg. Gia đình có thu nhập tốt dù đang mặn khốc liệt.
Hai năm nay, tuy mặn có giảm nhưng ông Nghĩa vẫn tập trung đề phòng nước mặn tấn công bất ngờ. Ông tranh thủ nạo vét mương vườn vừa để bồi gốc bổ sung dinh dưỡng vừa tạo không gian trữ nước. Bên cạnh đó, ông cũng xây hồ chứa nước ngọt trữ hơn 50 khối nước để phun thuốc trừ sâu bệnh khi mặn đến. Song song đó, ông còn lắp thêm hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn sầu riêng.
Tuy nhiên, ông Mười Nghĩa cũng cho biết, vẫn sẽ tiếp tục dùng biện pháp "mỗi gốc cây vài bình nước" như vụ hạn, mặn năm 2020. "Nếu hạn mặn khốc liệt, kéo dài, đây là cách khả dĩ nhất cứu vườn sầu riêng", ông Mười Nghĩa khẳng định. Cũng theo ông Mười Nghĩa, nếu nông dân duy trì được nước ngọt trong mương, không cần tưới vườn sầu riêng cũng có thể vượt qua hạn, mặn./.