Nông dân chăm sóc vườn sầu riêng tại Bình Phú, Cai Lậy, Tiền Giang. (Ảnh: Hoàng Nam) |
Không phải tới khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì người dân mới quan tâm tới loại cây trồng này. Thực tế sầu riêng là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế từ nhiều năm nay. Cây sầu riêng đã khẳng định vị thế và được ví là "trái cây vua". Tuy nhiên, cũng đã bao phen sầu riêng đối mắt với rớt giá, dội hàng và phải giải cứu.
Đến nay, khi sầu riêng xuất khẩu chính ngạch, liệu điệp khúc dội hàng giải cứu có sảy ra, nhất là khi diện tịch sầu riêng đang tăng lên ồ ạt từ Tây Nguyên cho tới miền Nam.
Những ngày giữa tháng 2, vườn sầu riêng rộng một ha, giống Ri6 và Mongthong, của anh Trần Đăng Khoa, 32 tuổi, xã Tân Lập (Tân Thạnh, Long An) chuẩn bị thu hoạch đợt hai. Do nằm trong khu vực đã được cấp mã số vùng trồng, sầu riêng vườn anh được thương lái mua giá 150.000 đồng mỗi kg.
Chủ vườn cho biết, gia đình có 3,5 ha đất, trước đây trồng lúa ba vụ, mỗi năm trừ chi phí, thu về khoảng 100 triệu đồng. Do lợi nhuận thấp, anh chuyển một phần diện tích sang trồng thanh long. Tuy nhiên, do giá trái cây này không ổn định, hơn 5 năm trước, sau khi tham quan nhiều nhà vườn ở Cai Lậy, Tiền Giang, anh vay vốn ngân hàng chuyển sang trồng sầu riêng.
Hai ha đất lúa tại xã Tân Lập, Tân Thạnh (Long An) được san phẳng, đắp mô trồng sầu riêng. (Ảnh: Hoàng Nam) |
Thời gian sầu riêng cho trái mất tới 4-5 năm, anh chỉ chuyển đổi một ha, phần còn lại vẫn duy trì cây lúa và trồng thêm mít Thái để "lấy ngắn nuôi dài". Bình quân, một gốc sầu riêng từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, chủ vườn đầu tư khoảng 7 triệu đồng. Do đó anh Khoa tốn chi phí đầu tư hơn một tỷ đồng cho mỗi ha sầu riêng trồng 150-180 gốc.
"Với năng suất 15 tấn một ha, sau khi thu hồi vốn đầu tư, trừ chi phí phân thuốc mỗi ha ước tính lợi nhuận hơn một tỷ đồng", anh Khoa nói và cho biết vừa san ruộng, đắp mô hai ha đất lúa của gia đình để mở rộng diện tích sầu riêng.
Câu chuyện của anh Khoa cũng khá phổ biến ở miền Tây khi diện tích trồng lúa và mít đang chuyển đổi ồ ạt sang trồng sầu riêng. Thống kê của các ngành chức năng, đã có hàng nghìn ha lúa, mít ở miền Tây được nông dân chuyển sang trồng sầu riêng gây lo ngại một số vùng không hợp thổ nhưỡng, cung vượt cầu dẫn tới được mùa rớt giá.
Viễn cảnh cung vượt cầu không phải là vô căn cứ. Bởi nhìn nhận thực tế, giá sầu riêng thời gian qua tăng vọt là do lượng sầu riêng xuất khẩu còn nhỏ giọt. Bởi hiện tại, trong tổng diện tích 80.000 ha sầu riêng, chỉ có 5% diện tích được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc. Từ nay tới cuối năm, diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng sẽ liên tục mở rộng, lượng sầu riêng xuất khẩu cũng sẽ tăng mạnh. Đó là chưa kể, hàng loạt các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này.
Nhà vườn ở Long An kiểm tra sinh vật gây hại tại vườn sầu riêng đang xây dựng mã số vùng trồng. |
Cục Bảo vệ thực vật khuyên người dân, doanh nghiệp phải tỉnh táo khi xây lộ trình xuất khẩu sầu riêng, tránh tình trạng thua lỗ hoặc chờ hỗ trợ tiêu thụ giống một số nông sản trong quá khứ. Đặc biệt, toàn ngành hàng cần tính toán kỹ chi phí và giá bán, bởi không phải lúc nào Việt Nam cũng trong cảnh “một mình một chợ” như thời gian trước.
Hiện nhiều tỉnh ở Việt Nam mở rộng diện tích trồng sầu riêng nhưng lại không nắm chắc thông tin cung – cầu, trong đó có thị trường số một Trung Quốc. Chưa có dự báo nào về cơn sốt sầu riêng tại đây sẽ kéo dài bao lâu, trong khi người nông dân phải chờ khoảng 5 năm để cây sầu riêng cho thu hoạch. Nếu có biến động thị trường trên quy mô lớn, bà con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trên diện rộng.
Theo Tiến sỹ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, tình trạng nông dân ở miền Tây ồ ạt trồng các loại cây ăn quả sau đó bị rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá" từng xảy ra. Chẳng hạn trước đây cây mít Thái giá cao, nông dân đổ xô trồng, sau đó giá mít xuống còn 5.000 đồng một kg, phải đốn bỏ. Hay như cam sành Vĩnh Long diện tích vượt quy hoạch, cung vượt cầu sau đó phải nhờ giải cứu.
"Ngoài ra, chính quyền cần quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng thương hiệu kết hợp hệ thống doanh nghiệp đảm bảo đầu ra. Bởi sầu riêng là loại cây "nhà giàu", không ưa ngập úng, khó chịu khô hạn, chi phí đầu tư cao, nếu doanh nghiệp bao tiêu bỏ dở giữa chừng khiến nông dân gặp khó khăn" TS Võ Hữu Thoại cho biết thêm./.