Giá sầu riêng tăng kỷ lục, cây sầu riêng cho lợi nhuận lớn nên người dân ồ ạt chặt bỏ tiêu để trồng loại cây này. |
Chán nản với hồ tiêu người dân ồ ạt trồng sầu riêng
Vụ thu hoạch tiêu năm 2022 tại Đồng Nai, giá tiêu bán ra tại vườn có mức dao động từ 82-85 ngàn đồng/kg. Nhưng năm 2023, ngay từ đầu vụ, giá hồ tiêu bán tại vườn đã giảm mạnh xuống dưới 60 ngàn đồng/kg. Hiện nay, giá hồ tiêu tăng nhẹ từ 61 ngàn đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Một thời, hồ tiêu được coi là “vàng đen” vì giá cao gấp 3-4 lần hiện nay. Vì thế, nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư những vườn chuyên canh hồ tiêu và đẩy năng suất lên 5-7 tấn/ha/năm. Được mùa, trúng giá, nhiều nhà vườn từng lời 500-800 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, 3-4 năm trở lại đây, thời tiết thất thường, năng suất hồ tiêu giảm mạnh. Cùng với đó, giá hồ tiêu liên tục lao dốc khiến người trồng tiêu gặp khó khăn buộc phải chuyển đổi dần diện tích. Nhiều nhà vườn tại các huyện: Trảng Bom, Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh đã chuyển đổi dần diện tích tiêu sang trồng mít, sầu riêng.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai ngày 20/2, cho biết, năm năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ khoảng 5.600ha hồ tiêu.
Vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay năng suất giảm, giá bán cũng rất thấp nên người dân không còn mặn mà với cây "vàng đen" một thời. |
Thời hoàng kim, tổng diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh lên đến hơn 19 ngàn ha. Vài năm trở lại đây, giá hồ tiêu liên tục đứng ở mức thấp, nhiều thời điểm giảm sâu so với giá thành sản xuất. Nông dân đua nhau chặt bỏ khiến diện tích hồ tiêu của tỉnh giảm hàng ngàn ha. Hiện toàn tỉnh chỉ còn gần 11,4 ngàn ha. Không chỉ giảm về diện tích mà năng suất hồ tiêu hiện nay cũng giảm nhiều so với trước đây.
Bên cạnh đó, do giá hồ tiêu xuống thấp nên nông dân Đồng Nai giảm đầu tư, không chú trọng chăm sóc vườn tiêu, điều này khiến năng suất hồ tiêu hiện nay giảm khoảng 30% so với trước.
Dự báo tới đây, việc chặt bỏ hồ tiêu tiếp tục diễn ra ở Đồng Nai, hầu hết người dân sẽ chuyển đổi hồ tiêu sang trồng sầu riêng, do loại trái cây này đang có giá cao và đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trước năm 2018, giá hồ tiêu tăng cao nên nông dân ở Đồng Nai ồ ạt chặt bỏ nhiều loại cây để trồng tiêu, do phát triển nóng nên diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh vượt quy hoạch hàng nghìn ha. Những năm qua, giá hồ tiêu liên tục duy trì ở mức thấp, trong khi đó loại cây này đòi hỏi nhiều công chăm sóc, dễ bị sâu bệnh nên nông dân không còn mặn mà với hồ tiêu.
Vòng luẩn quẩn mất giá thì chặt được giá đổ xô trồng
Đã từng có giai đoạn hồ tiêu giá cao người dân đua nhau trồng loại cây này, không ít hộ trồng tiêu trên vùng đất không phù hợp, năng suất thấp. Những năm trước, người dân chặt bỏ hồ tiêu để trồng mít, bưởi. Hiện các loại trái cây này giảm giá, nông dân lại chuyển qua trồng sầu riêng.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho thấy năm 2018, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 15.000ha mít, bưởi, sầu riêng (diện tích mỗi loại khoảng 5.000ha) nhưng đến nay, tỉnh có hơn 9.000ha mít, trên 10.300ha bưởi và gần 11.500ha sầu riêng. Hồ tiêu là cây chủ lực của Đông Nai với thị trường xuất khẩu khắp thế giới.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: Sầu riêng là loại cây có giá trị cao, không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu, đặc biệt sau khi Trung Quốc ký kết đưa sầu riêng vào mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, tạo ra cú hích lớn cho người sản xuất lẫn doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đổ xô đi trồng sầu riêng sẽ mang lại nhiều tác động khó lường.
“Cây sầu riêng phải trồng ít nhất 5 năm mới có quả ổn định. Trong khi đó, việc cấp mã số vùng trồng để xuất sang Trung Quốc phải được giám sát chặt chẽ, không được trồng xen canh. Ngoài ra, đối thủ của VN là Thái Lan cũng đang mở rộng diện tích để trồng sầu riêng, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn nếu tiếp tục mở rộng diện tích", ông Nguyên cho hay.
Nhiều vùng sầu riêng ở Đồng Nai được trồng và chăm sóc theo chuẩn VietGAP. |
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đến nay VN được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi hiện có khoảng 300 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện nốt thủ tục chờ Trung Quốc cấp phép. Nếu Trung Quốc chấp thuận tất cả, nguồn cung sầu riêng của VN cho nước bạn rất dồi dào.
Do vậy, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân và địa phương không nên mở rộng diện tích nữa mà cần tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Thay vì tìm cách tăng diện tích, sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối.
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Các địa phương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng;
Trước tình trạng người dân ồ ạt chặt hồ tiêu để trồng sầu riêng, Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân chỉ chặt bỏ hồ tiêu già cỗi, tuyệt đối không chặt bỏ hồ tiêu mới trồng, đang thu hoạch tốt. Để tăng lợi nhuận, nông dân tính toán trồng xen các loại cây khác trong vườn tiêu. Đồng thời, giảm chi phí sản xuất bằng cách áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào canh tác; tăng cường liên kết, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn nhằm tăng giá trị của hồ tiêu./.