Do giá sầu riêng tăng cao, nhiều địa phương ở Tây Nguyên người dân ồ ạt chặt tiêu để trồng sầu riêng. |
Ồ ạt chặt tiêu trồng sầu riêng
Thời gian gần đây, cây sầu riêng được hàng ngàn nông dân chọn trồng sau khi giá hồ tiêu trượt dốc không phanh từ 220.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/kg. Chưa kể dịch bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu, từ cây được ví như "vàng đen" nay do hạn hán khiến nông dân khánh kiệt, nợ nần chất chồng. Trong khi giá sầu riêng lại liên tiếp lập kỷ lục về giá. Từ đó, tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên, người dân ồ ạt chặt bỏ vườn tiêu để trồng sầu riêng.
Ông Bùi Văn Hạnh, xã Đắk Ha (Đắk Glong, Đắk Nông) cho biết, gia đình ông có khoảng 10 sào cà phê xen hồ tiêu. Mấy năm qua, hồ tiêu năng suất kém, bị bệnh chết nhiều, chưa kể giá rớt sâu nên gia đình ông vừa đầu tư tiền tỷ trồng hơn 300 cây sầu riêng Ri6 để thay thế cà phê, hồ tiêu.
Theo ông Hạnh, so với trồng cà phê và tiêu, sầu riêng khó chăm sóc hơn, song thu nhập từ loại cây này cao hơn nhiều lần; không ít hộ dân trong xã cũng ăn nên làm ra từ trồng sầu riêng nên gia đình mạnh dạn dốc vốn đầu tư. “Chúng tôi biết việc thay đổi cây trồng rất khó. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi thời, nếu không thay đổi phù hợp với thời thế, người dân lấy gì thu hoạch. Tây Nguyên đang trúng đậm sầu riêng, biết đâu sau này ở đây hình thành vùng đặc sản sầu riêng tại đây”, ông Hạnh nói.
Diện tích sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên tăng khá nhanh, hiện đã lên đến hơn 40.000 ha. |
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, với giá bán cao như hiện nay (bình quân từ 150.000 - 180.000 đồng/kg) và ngay cả thời điểm giá các loại nông sản khác rớt thảm, sầu riêng vẫn đạt giá cao nên loại cây trồng này đang rất hấp dẫn người dân.
Đặc biệt, sau khi sầu riêng Việt được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng càng tăng cao hơn, dẫn tới người dân có xu hướng chặt bỏ cà phê, tiêu, điều…để chuyển sang loại “vua trái cây”. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, có một thông tin cần lưu ý là hiện Trung Quốc chỉ chấp nhận sầu riêng trồng tại vùng chuyên canh, được nước này cấp mã số vùng trồng.
Diện tích sầu riêng tăng chóng mặt
Theo thống kê từ ngành chức năng các tỉnh Tây nguyên, diện tích sầu riêng ở khu vực này tăng khá nhanh, hiện đã lên đến hơn 40.000 ha. Đắk Lắk đứng đầu với khoảng 15.000 ha (đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang), tiếp đó là các tỉnh Lâm Đồng gần 14.000 ha, Đắk Nông 5.000 ha, Gia Lai 4.000 ha. Diện tích này còn tăng lên bởi con số thống kê chưa phản ánh đầy đủ đối với các vườn nhỏ hoặc trồng xen. Hàng chục ngàn ha sầu riêng trong số này đang ở giai đoạn kiến thiết hoặc thu bói.
Với diện tích này, toàn vùng Tây nguyên sẽ cho sản lượng khủng, tăng dần theo từng năm. Chẳng hạn, tại Đắk Lắk, sản lượng sầu riêng hằng năm lên tới 150.000 tấn và dự kiến sẽ là 300.000 tấn vào năm 2030, Lâm Đồng hiện có sản lượng cũng suýt soát 100.000 tấn.
Tính sơ bộ, mỗi ha sầu riêng khi đi vào chu kỳ kinh doanh có năng suất từ 9 - 15 tấn tùy vườn cây, thì khu vực này sẽ có sản lượng sầu riêng xếp top đầu Việt Nam.
Nguy cơ khủng hoảng thừa và sầu riêng không đạt chuẩn đã ký kết theo Nghị định thư sẽ gây thiệt hại cho người trồng sầu riêng. |
Dự báo của ngành nông nghiệp, năm 2023, sản lượng sầu riêng Việt Nam đạt khoảng 1 triệu tấn. Số này phần được tiêu thụ nội địa, còn lại là xuất khẩu, trong đó Trung Quốc đang là thị trường lớn. Theo Quyết định số 4085 ngày 27.11.2022 của Bộ NN-PTNT về phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng được khuyến cáo trồng trong khoảng 65.000 - 75.000 ha, sản lượng từ 830.000 đến 950.000 tấn. Song đến nay, diện tích lẫn sản lượng đều vượt mốc các con số trên.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vừa qua, Bộ NN&PTNT thành lập đoàn khảo sát để kiểm tra, đánh giá về tình hình các vùng trồng cây ăn quả ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ cũng nhận thấy có tình trạng người dân đang chuyển từ một số loại cây trồng khác sang trồng sầu riêng do lợi nhuận từ loại “vua trái cây” rất hấp dẫn.
Để tránh vết xe đổ như tình trạng trồng ồ ạt các loại cây trồng trước đây, Bộ NN&PTNT cảnh báo các địa phương không nên tăng diện tích sầu riêng trong thời gian tới.
Mối lo sầu riêng trồng xen và nguy cơ khủng hoảng thừa
Yếu tố quyết định thắng lợi của nông sản chính là đầu ra. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc tăng cao khi sản lượng khan hiếm vì chưa vào chính vụ. Tuy nhiên, cũng với Việt Nam, nhiều nước khác cũng xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỷ dân này. Đó là chưa kể có những quy định trong nghị định thư đã ký kết nếu không tuân thủ thì cửa xuất khẩu sẽ đóng lại.
Đặc tính của cây sầu riêng là loại cây trồng phải từ 5 - 6 năm mới bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Theo tính toán sơ bộ, mỗi ha sầu riêng trồng thuần sẽ được khoảng 200 cây. Trong chu kỳ 5 năm, ngoài giá trị đất, nông dân phải đầu tư khoảng 300 - 600 triệu đồng cho cây giống, công chăm sóc, phân bón, nước tưới, các loại thuốc phòng chống bệnh, kích thích sinh trưởng…
Hầu hết nông dân Tây nguyên đều chọn sầu riêng ghép để trồng với ưu điểm nhanh cho thu hoạch hơn khoảng 3 năm so với gieo bằng hạt và giữ những ưu điểm về đặc trưng giống.
Cần đa dạng hoa các kênh tiêu thụ sầu riêng, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc để đảm bảo tiêu thụ bền vững. |
Nhưng đầu ra là mối lo không chỉ chính quyền địa phương, Bộ chủ quản mà cả chính người trong cuộc. Hiện sản lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc mới chiếm khoảng 20% trong tổng sản lượng của phía Việt Nam và phía Trung Quốc đã cấp 130 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Tuy nhiên, theo nghị định thư đã ký với phía Trung Quốc, cứ 3 năm một lần, phía bạn sẽ rà soát lại một lần đối với các mã vùng trồng được cấp. Ngoài ra, trong số diện tích sầu riêng được cấp mã vùng trồng thì đối với sầu riêng trồng xen sẽ không được xem xét để cấp.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, tình trạng phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng đã dần nóng không chỉ ở Gia Lai mà cả các tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên. Ngành nông nghiệp đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên trồng theo phong trào mà cần phải nghiên cứu kỹ nhiều yếu tố và đầu ra cho sản phẩm. Một mặt, không nên phát triển diện tích sầu riêng bằng mọi giá để tránh khủng hoảng thừa, giá giảm mạnh. Mặt khác, Chính phủ cũng cần giúp nông dân bằng các nghị định thư với các đối tác nhập khẩu sầu riêng để giải quyết bài toán đầu ra bền vững, lâu dài./.