Hiện tại, giá sầu riêng chuẩn xuất khẩu (từ 2,5 kg đến dưới 5 kg) ngay tại miền Tây hiện có giá bình quân từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. |
Người tiêu dùng trong nước đỏ mắt tìm sầu riêng
Dù có nhiều thông tin liên quan tới giá sầu riêng, đặc biệt là những ngày vừa qua giá sầu riêng bất ngờ giảm mạnh 100 nghìn đồng/kg sau khi liên tiếp lập đỉnh mới. Nguyên nhân được cho là do các doanh nghiệp ngưng đóng hàng xuất khẩu vì không đủ sản lượng cho đối tác. Tuy nhiên qua khảo sát, giá sầu riêng vẫn tăng cao và hiện thị trường trong nước rất khan hiếm sầu riêng.
Hiện tại, giá sầu riêng chuẩn xuất khẩu (từ 2,5 kg đến dưới 5 kg) ngay tại miền Tây hiện có giá bình quân từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Ngoài tiêu chí về trọng lượng, trái sầu riêng phải tròn đều đủ múi (hộc), không bị sẹo hay dị tật… Đây là sầu riêng vụ nghịch chỉ có ở vùng ĐBSCL nên nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu xuất khẩu đang cao nên thị trường nội địa rất khan hiếm.
Thị trường trong nước chủ yếu bán trái sầu riêng không đạt chuẩn xuất khẩu và cũng rất khan hiếm. |
Ngày 11.2, khảo sát tại một số cửa hàng trái cây cao cấp ở các quận trung tâm TP.HCM nhưng hầu hết đều không có mặt hàng sầu riêng tươi xuất xứ Việt Nam. Đại diện một cửa hàng lớn ở gần chợ An Đông (Q.5) cho biết: Hiện tại hàng Cái Mơn (Bến Tre) chưa có vì không phải vụ. Chỉ có hàng sầu riêng đông lạnh nhập khẩu từ Malaysia với giá 550.000 đồng/khay 400gr.
Nhiều cửa hàng khác ở Q.1, 3, 10 cũng không có nguồn cung sản phẩm sầu riêng Việt Nam. Tại "chợ sầu riêng" trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5), các tiểu thương chào giá sầu riêng Ri 6 là 200.000 đồng/kg, chuồng bò 240.000 đồng/kg. Một tiểu thương ở đây cho biết, "Giá chuồng bò cao hơn Ri 6 do mẫu mã đẹp hơn. Vì sầu riêng vụ nghịch nên giá cao. Ở đây nói thiệt giá để bán chứ không bớt". Một số sạp khác cũng chào giá tương tự nhưng cho biết sẽ giảm giá nếu mua số lượng nhiều, từ 4 - 5 trái trở lên sẽ giảm còn 185.000 đồng/kg.
Tương tự tại một số chợ truyền thống và siêu thị mặt hàng sầu riêng vẫn có hàng nhưng số lượng rất ít. Tại một siêu thị lớn ở Q.10, giá sầu riêng Ri 6 loại nguyên trái là 139.000 đồng/kg.
Theo các chủ cửa hàng tiết lộ, các sản phẩm sầu riêng bán tại thị trường TP.HCM đều là hàng ngoài chuẩn xuất khẩu vì màu sắc không tươi và đẹp như hàng xuất khẩu; ngoài ra còn bị lép hoặc trọng lượng quá to hay quá nhỏ, không đủ chuẩn…
Sầu riêng kém chất lượng vẫn trà trộn xuất khẩu
Xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2022 nhờ thị trường Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch. Từ đó đến nay, giá sầu riêng của Việt Nam luôn ở mức cao. Hiện tại vùng ĐBSCL, giá sầu riêng đang lên cơn sốt với mức giá từ 140.000 - 180.000 đồng/kg tăng gấp 3 lần các năm trước.
Các doanh nghiệp lý giải, giá sầu riêng tăng mạnh là do nhu cầu thị trường cao trong khi nguồn cung hạn chế vì trái vụ, chỉ có ở các tỉnh miền Tây của Việt Nam.
Sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu ngoài tiêu chí về trọng lượng, trái sầu riêng phải tròn đều đủ múi (hộc), không bị sẹo hay dị tật. |
Bên cạnh những thông tin tích cực, tại diễn đàn "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)" do Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Lào Cai tổ chức vào ngày 10.2 vừa qua, TS Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc đã có một số thông tin đáng quan ngại. Bà Trà My cho biết trong lần về nước này mang theo nhiều đơn hàng, trong đó có hai đơn 60.000 tấn mỗi năm, đơn nhỏ nhất 10.000 tấn, tổng số đơn hàng có khối lượng lên đến 150.000 tấn.
"Thời gian qua, tôi đi thực tế ở các địa phương và nhận thấy một số người vẫn còn tư duy xem Trung Quốc là thị trường dễ tính. Hôm qua, tôi khảo sát một số cơ sở đóng gói sầu riêng ở Tiền Giang và thấy có sản phẩm không đủ chuẩn về chất lượng nhưng người ta vẫn đưa vào. Có vẻ họ vẫn còn thói quen 'nhét' cho đầy container. Tôi biết, thời điểm này sầu riêng nghịch vụ, nguồn hàng khan hiếm nhưng không nên làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hàng rất dễ bị trả về, thậm chí gây hậu quả lớn hơn nhiều. Thị trường Trung Quốc giờ cũng khó tính như Mỹ, EU vậy", bà My nói.
Bà My cũng lưu ý, chúng ta nên chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc, thông qua hình thức thương mại điện tử. Một điểm đáng lưu ý nữa là đa phần hàng xuất vào Trung Quốc chỉ là nông sản, thực phẩm chưa có thương hiệu. Đây là điều rất đáng tiếc bởi một trái sầu riêng của Việt Nam có giá chỉ 200.000 đồng nhưng hàng có thương hiệu của Malaysia lại tới cả trăm USD.
"Chúng ta nên hướng tới sản phẩm có thương hiệu thay vì chỉ xuất hàng nguyên liệu đơn thuần như hiện nay", bà My cho hay.
Sầu riêng Việt Nam cần nắm bắt ba lợi thế
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Việc chúng ta đưa được sản phẩm sầu riêng tươi vào thị trường này từ giữa tháng 9 vừa qua sẽ mở ra cơ hội lớn cho sầu riêng Việt Nam trở thành ngành nông nghiệp tỉ USD.
Ông Nguyên cũng đưa ra 3 lợi thế để sầu riêng Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan tại thị trường Trung Quốc.
Thứ nhất, đặc điểm nổi bật mà các “đối thủ” e ngại nhưng thị trường tiêu thụ rất thích là sầu riêng của Việt Nam gần như có quanh năm. Theo vùng địa lý, vụ mùa sầu riêng ở miền Tây từ tháng 3 - 5, nhưng bà con nông dân thường rải vụ nên bắt đầu từ tháng giêng đã có hàng. Bước sang tháng 6 - 7 đến chính vụ ở vùng miền Đông và nam Tây nguyên. Tháng 8 - 9 đến vùng sầu riêng Đắk Lắk. Vào tháng 10 - 11 lại đến Gia Lai. Đó là lý do mà giá sầu riêng lúc thấp nhất thị trường cũng 50.000 - 60.000 đồng/kg, không chín rộ cùng lúc nên không bị dội chợ như thanh long. Thái Lan có mùa vụ rõ và thời gian ngắn chứ không kéo dài như Việt Nam.
Sầu riêng Việt Nam có nắm bắt được lợi thế để vượt sầu riêng Thái Lan tại thị trường Trung Quốc? |
Thứ 2 là vị trí địa lý. Việt Nam chỉ mất từ 1,5 - 2 ngày là có thể đưa hàng đến chợ ở Trung Quốc. Đây là lợi thế mà Thái Lan và Malaysia không có được. Thời gian vận chuyển ít, chi phí thấp giúp sầu riêng Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm các nước. Trong một vài năm tới khi có nhiều mã số vùng trồng và đóng gói được cấp phép có thể tạo thành một “làn sóng” trên thị trường Trung Quốc.
Thứ 3 là tập quán thu hái và tiêu dùng. Người Thái có thói quen ăn sầu riêng “cứng” - vừa chín tới. Trong khi người Việt và Trung Quốc lại có cùng sở thích ăn sầu riêng chín mềm. Sự khác biệt này cũng là lợi thế của Việt Nam. Tuy Thái Lan cũng đã có những kế hoạch thay đổi thói quen thu hái để phục vụ xuất khẩu nhưng họ cũng cần thêm thời gian và kinh nghiệm.
Ông Nguyên nhận định: Chuyện vượt qua Thái Lan ở thị trường Trung Quốc của trái sầu riêng là điều hoàn toàn có khả năng. Tuy nhiên yêu cầu là từ nhà vườn đến doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định của thị trường. Nỗ lực phát triển diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số. Ngược lại, Thái Lan cũng không ở yên để Việt Nam vượt qua. Bằng chứng là họ đang tạo ra nhiều giống mới chất lượng cao và đi vào chế biến. Vừa rồi đến Thái Lan, ông thấy họ có sản phẩm sầu riêng đóng hộp ăn liền giống như các hộp sữa chua của chúng ta, rất tiện dụng và giá cả hợp lý. Đây là những điều mà Việt Nam cũng phải nghiên cứu phát triển./.