Đây là thông tin được Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trích dẫn từ phát biểu của ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 diễn ra vào ngày 17/7 vừa qua. Một trong những yếu tố để chương trình xây dựng nông thôn mới thành công là phải có sự gắn kết với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Thay đổi cách tiếp cận về OCOP
Theo Bộ NN&PTNT, cần thay đổi cách tiếp cận về OCOP, về du lịch nông thôn để các hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn, người dân bán được nhiều hàng hóa hơn chứ không phải chỉ dừng lại ở việc gắn mác OCOP cho các sản phẩm. Hướng đến một sản phẩm OCOP phải thể hiện được hình ảnh của người tạo ra OCOP.
Sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức) |
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả hơn nữa, ông Lê Minh Hoan đề xuất: Trong thời gian tới, các tỉnh nên có trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và yêu cầu tham mưu, bổ sung cho trung tâm này chức năng huấn luyện người dân khởi nghiệp, làm sản phẩm nông nghiệp, tạo sân chơi cho chính những nhà sản xuất sản phẩm OCOP, cũng như tạo ra áp lực đổi mới để giúp người dân nhận diện đâu là thời cơ, đâu là thách thức trong sản xuất nông nghiệp….
Theo Bộ NN&PTNT, trong 3 năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp người dân nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, du lịch nông thôn được phát triển, qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hiện đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ NNPTNT công nhận.
Đặc biệt, có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc, chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.
Về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới trong 3 năm qua, theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 6.022 xã, tương đương 74% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn
Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Chương trình OCOP có tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn. |
Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương trên cả nước đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, như: sản phẩm trà Phìn Hồ mang hương sắc, văn hóa của đồng bào người Dao ở vùng núi Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; sản phẩm từ sen - thể hiện những giá trị về văn hóa, con người xứ sở sen Hồng tỉnh Đồng Tháp....
Được biết, các sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường còn góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Chương trình OCOP cũng thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ (kết quả sau 5 năm triển khai cho thấy, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ giữ ổn định với khoảng 40%. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ rất cao, như: ở Bắc Trung Bộ lên đến 50,6%, MN phía Bắc là 43,4% và Tây Nguyên là 45,2%).
Như vậy, đến nay có thể khẳng định, Chương trình OCOP rất phù hợp về định hướng để phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương, đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung, nhưng lại có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hoá đặc trưng…
Chương trình OCOP đã trở thành một giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn liền với xây dựng nông thôn mới, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công.