Bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm. |
Sáng 25/11, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị "Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam".
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung bàn các giải pháp gỡ khó cho nghề nuôi tôm hùm, nhất là việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị tắc thời gian qua.
Người nuôi tôm hùm bông điêu đứng
Theo ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), đơn vị này đang tồn hơn 100 tấn tôm hùm bông thương phẩm chưa biết bán cho ai, bán đi đâu.
“32 xã viên hợp tác xã đứng ngồi không yên hơn hai tháng nay vì tôm không bán được, nguy cơ phá sản, lâm vào nợ nần đang hiện ra trước mắt. Người nuôi như chúng tôi cần thông tin vì sao tôm ứ đọng, hướng giải quyết của cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp bộ như thế nào'- ông Thái nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Ánh Quyên, chủ vựa mua tôm hùm ở Khánh Hòa, nói: “Tôi đã hơn 30 năm theo con tôm hùm chưa khi nào khó khăn như hiện nay. Tôm không bán tôm được làm sao có tiền mua đồ cho tôm ăn. Vay nhà nước thì đã vay rồi, không cho vay thêm nữa. Đi vay ở ngoài lãi suất cao, nhưng họ ra điều kiện khi nào tôm xuất khẩu được mới cho vay”.
Bà Quyên nói nếu đổ hết lỗi cho người nuôi như nuôi không đúng cách, nuôi ngoài vùng quy hoạch khiến việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ khó khăn là chưa thỏa đáng.
Theo ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ năm 2023, Trung Quốc áp dụng biện pháp quản lý tôm hùm có sự thay đổi. Theo đó, tôm hùm nuôi được định nghĩa phải bắt nguồn từ con giống F2; nếu khai thác tự nhiên sẽ bị áp dụng các điều khắt khe về nhập khẩu động vật hoang dã.
Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng- chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), cho biết Trung Quốc đang chiếm đến 98-99% thị trường xuất khẩu tôm hùm tươi sống của Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc, tôm hùm của Việt Nam vẫn xuất đi các nước, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) nhưng rất ít.
Trung Quốc đã liệt tôm bông vào danh sách loài quý hiếm, cần bảo vệ. Việt Nam cũng liệt loài này vào nhóm II, danh mục thủy sản nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ như Trung Quốc.
Từ tháng 8/2023, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bắt đầu ách tắc. Cục Chất lượng- chế biến và phát triển thị trường liên tục gửi văn bản đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Vụ kiểm dịch động thực vật, Hải quan Nam Ninh, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc nhằm phối hợp, cập nhật những thông tin liên quan đến tôm hùm bông.
Ngày 10/11, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, các vụ liên quan họp với Cục Hải quan Trung Quốc. "Phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải chứng minh tôm hùm nuôi thì phải có truy xuất, chứng minh không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi như thế nào, nếu con giống khai thác từ tự nhiên thì cũng được coi là khai thác từ tự nhiên, không được coi là tôm hùm nuôi”- ông Anh thông tin.
Cũng theo ông Anh, Trung Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp nước họ muốn nhập khẩu các loài động vật hoang dã, trong đó có tôm hùm bông, phải xin giấy phép của Cục ngư nghiệp Bộ NN Trung Quốc về nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến động vật hoang dã.
“Theo tôi nắm đến nay chưa có nhà nhập khẩu nào của Trung Quốc xin được giấy phép này. Nếu chúng ta có nhu cầu, có đầy đủ thủ tục về nguồn gốc, đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu, mà doanh nghiệp Trung Quốc không xin được giấy phép thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”- ông Anh nói.
Làm gì để gỡ vướng?
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Trần Hướng. |
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thủy sản tham mưu các giải pháp phù hợp với yêu cầu của thị trường, nhất là tôm hùm.
Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, ông Tiến đề nghị các cục liên quan hướng dẫn tổ chức, cá nhân xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi…
Sau khi Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, các cục liên quan rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng quy định của hai nước.
Ngoài ra, nghiên cứu hướng tới khép kín chuỗi giá trị tôm hùm trong môi trường nhân tạo; khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ; tiếp tục trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cập nhật về quy định đối với xuất khẩu tôm hùm bông sống vào thị trường này; quản lý, kiểm soát chặt việc nhập khẩu đối với tôm hùm giống…
Ông Tiến cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thủy sản; chỉ đạo cơ quan chức năng, chuyên môn kiểm soát chặt việc nhập khẩu tôm hùm giống trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm, đặc biệt các cơ sở xuất khẩu tôm hùm bông.