Mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (gọi tắt là Tập đoàn Quế Lâm) để bàn hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tại buổi làm việc 2 bên đã thống nhất ký biên bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn - bà Đỗ Thị Minh Hoa đánh giá cao những kết quả Tập đoàn Quế Lâm đã đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và mong muốn hợp tác với Quế Lâm để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tổ chức các mô hình chăn nuôi đưa các sản phẩm của tập đoàn vào đầu tư nhằm tuyên truyền sâu rộng, vận động người dân hưởng ứng tham gia…
Ông Khắc Ngọc Bá - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm, Giám đốc Công ty TNTT MTV BIOTECH Quế Lâm cùng Đoàn công tác thăm mô hình chè tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể (Người đứng thứ 2 từ trái sang)
Theo bà Hoa, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu và Bắc Kạn không nằm ngoài xu thế này. Đặc biệt, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Bắc Kạn lại là tỉnh có những điều kiện rất tốt để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có các yếu tố về không khí trong lành, độ che phủ rừng cao… “Nhiều tỉnh có điều kiện khó khăn hơn còn làm được thì Bắc Kạn chắc chắn cũng sẽ làm được”, bà Hoa nói.
Phát buổi tại làm việc, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm cam kết sẽ đồng hành với Bắc Kạn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông Khắc Ngọc Bá cũng đánh giá: Bắc Kạn có lợi thế là đất sạch, nước sạch, không khí sạch, nên thuận lợi để thực hiện nông nghiệp hữu cơ. Tập đoàn Quế Lâm sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Bắc Kạn với phương châm chung tay góp sức vì một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững...
Nội dung ký kết giữa Tập đoàn Quế Lâm và UBND tỉnh Bắc Kạn thể hiện, hai bên sẽ rà soát quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Hợp tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia về quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn các hộ nông dân sử dụng có hiệu quả các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, các chế phẩm sinh học mang thương hiệu Quế Lâm trong sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng quy trình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng Quế Lâm cho một số cây ăn quả (như mơ, hồng, cam, quýt…), cây chè, dong riềng, nghệ, lúa Japonica… và quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn để sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Hướng dẫn xử lý các chất phế thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp như bã củ dong riềng trên địa bàn để hạn chế ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh…
UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở NN-PTNT Bắc Kạn làm đầu mối chủ trì phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm đi khảo sát lựa chọn địa điểm, diện tích và các điều kiện cần thiết để thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ Tập đoàn Quế Lâm tiếp cận các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật và chính sách của tỉnh để Quế Lâm triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả…
Về phía Tập đoàn Quế Lâm sẽ giúp tỉnh Bắc Kạn định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong nước, tiến tới xuất khẩu. Trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đối với các loại cây trồng chính theo kế hoạch của tỉnh Bắc Kạn, cùng nhau xây dựng phát triển thị trường tiêu thụ đầu ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khi đảm bảo các yêu cầu. Tập đoàn Quế Lâm cũng sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn xây dựng chuồng trại, hướng dẫn xử lý các chất phế thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân tại các mô hình liên kết. Cung cấp phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, các chế phẩm sinh học để xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cây mơ, cây chè, cây dong riềng, gạo Japonica hữu cơ và men vi sinh để chăn nuôi lợn hữu cơ đến tận tay hộ nông dân, các chương trình dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bản tỉnh đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng.
Các nhà khoa học, chuyên gia sẽ phân tích mẫu đất và nghiên cứu sản xuất những loại phân bón phù hợp với thổ nhưỡng, cây trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tại các mô hình trình diễn trong 3 năm (2020 – 2022) cũng sẽ hỗ trợ phần chi phí phân bón tăng thêm trong quy trình canh tác hữu cơ so với quy trình canh tác vô cơ hiện hành tại địa phương. Hỗ trợ kết nối với các tổ chức chứng nhận hữu cơ và hỗ trợ một phần kinh phí để các sản phẩm của mô hình được cấp chứng nhận hữu cơ…
Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.
Đề án nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: Lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa...
Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên như sữa, sản phẩm mật ong, sản phẩm yến sào, thịt gia súc gia cầm.
Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5 - 1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế như: tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa...
Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ...
Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra để đạt được các mục tiêu trên là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật; tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩn hữu cơ...
Hồng Nga