Những lô dừa tươi đầu tiên của Việt Nam có mặt tại Trung Quốc, trong nước giá mặt hàng này ra sao? Ngành dừa sẵn sàng chinh phục cột mốc tỷ đô? Ngành dừa sẵn sàng chinh phục cột mốc tỷ đô |
![]() |
Xuất khẩu dừa vượt tỷ USD. |
Mức cao nhất trong 14 năm qua
Theo số liệu của cơ quan hải quan, tính đến cuối năm ngoái dừa tươi xuất khẩu đạt 390 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ. Tính chung các sản phẩm từ dừa, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2023. Đây là lần đầu sau 14 năm, trái dừa đem lại kim ngạch tỷ USD cho Việt Nam. Hiện tại, trái dừa là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba, chỉ xếp sau sầu riêng và thanh long.
Từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024. Tính riêng xuất khẩu trái dừa, Việt Nam đã thu về hơn 390 triệu USD, tăng 61,1% so với cùng kỳ, chiếm 5,47% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả.
Theo Hiệp hội dừa Việt Nam, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 8-9 năm trở lại đây, nhưng phát triển rất nhanh với kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, trái dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của trái dừa tươi Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Việt Nam là nhà cung cấp dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc trong năm 2024, chiếm hơn 20% thị phần. Việc hai nước ký Nghị định thư nhập khẩu chính ngạch vào tháng 8/2024 mở ra cơ hội lớn cho loại trái này.
Ngoài Trung Quốc, nhờ lợi thế về giá và hương vị ngọt thanh, trái dừa Việt được ưa chuộng ở nhiều thị trường như EU, Mỹ, Canada và Hàn Quốc.
Lo ngại nguyên liệu giảm "chất và lượng"
![]() |
Vẫn còn nhiều nỗi lo với ngành sản xuất dừa trong nước. |
Dù mang lại nguồn thu lớn nhưng xuất khẩu dừa tăng trưởng sẽ đặt ra bài toán thiếu nguyên liệu với ngành chế biến dừa trong nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam - cho rằng, ngành chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre nhưng lượng cung của tỉnh không đủ cho tất cả hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10-15%.
Những năm gần đây, nguyên liệu dừa khô thuế suất 0% nên nhiều doanh nghiệp đặt cơ sở sơ chế dừa khô rồi đưa sang Trung Quốc chế biến sâu. Ngoài ra, từ 1/1/2025, Indonesia là thị trường xuất khẩu dừa khô hàng đầu đã áp dụng thuế xuất khẩu dừa 80% để bảo vệ nguyên liệu trong nước và kêu gọi đầu tư. Như vậy, nguyên liệu dừa khô phục vụ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt đang bị đe dọa nghiêm trọng.
“Nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của chúng ta chắc chắn sẽ lao dốc”, bà Thanh cảnh báo.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết nhiều đơn hàng dừa tươi không thể xuất khẩu đúng hạn do thiếu mã đóng gói, vùng nguyên liệu không ổn định từ quý III và IV/2024 đến nay. Giá nguyên liệu leo thang khi Thái Lan, Ấn Độ và Trung Đông tăng nhập khẩu, các nhà máy trong nước khó cạnh tranh thu mua. Bên cạnh đó, các nhà máy sơ chế của Trung Quốc mở rộng hoạt động, đẩy giá dừa lên cao. Nông dân hưởng lợi, nhưng doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn.
Ông đề nghị nhà chức trách trao đổi với phía Trung Quốc để họ cấp thêm mã vùng trồng cho Việt Nam. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách thuế hợp lý để ngành dừa có thêm sức cạnh tranh.
Cũng lo ngại nguyên liệu giảm "chất và lượng", ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty Dừa Phương Nam kêu gọi doanh nghiệp hợp tác xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ để đảm bảo ngành dừa phát triển lâu dài.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 200.000 ha dừa, sản lượng 2 triệu tấn/năm; 1/3 diện tích đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Trái dừa xiêm Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý, với 133 mã số vùng trồng và hơn 8.300 ha phục vụ xuất khẩu. Dừa là một trong 6 loại cây được đưa vào đề án và phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại nhiều tỉnh, thành.
Với hơn 600 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa, tạo lợi thế lớn cho ngành xuất khẩu, Việt Nam hiện xếp thứ tư về xuất khẩu sản phẩm dừa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 5 trên thế giới. Dừa Việt Nam còn được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada và Hàn Quốc.
![]() |
![]() |
![]() |