Ngành chế biến dừa đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. |
Tại diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa" ở Bến Tre ngày 13/12, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cảnh báo, ngành chế biến dừa đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng khi nhiều nhà máy tại Bến Tre đã được đầu tư nhưng nguồn cung không đủ.
Theo bà Thanh, giá dừa trong nước từng xuống thấp kỷ lục, chỉ 1.000 đồng một quả, khiến nông dân nản lòng và e ngại với loại cây này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến buộc phải hoạt động cầm chừng, với công suất chỉ đạt 10-15% do thiếu nguyên liệu.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là tình trạng nhiều doanh nghiệp đặt cơ sở sơ chế tại Việt Nam nhưng lại xuất nguyên liệu sang các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, để chế biến sâu.
Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cho rằng nguyên nhân xuất phát từ chính sách thuế xuất khẩu nguyên liệu dừa khô ở mức 0%, tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu nguyên liệu thô nhưng gây thiệt hại nặng nề cho ngành chế biến trong nước. Bên cạnh đó, ngày 1/1/2025, Indonesia - một trong những nguồn cung cấp nguyên liệu dừa khô lớn nhất thế giới - sẽ áp thuế xuất khẩu lên tới 80% nhằm bảo vệ nguồn nguyên liệu nội địa, khiến nguồn cung từ nước này bị thu hẹp đáng kể.
Bà Thanh nhấn mạnh rằng nếu không điều chỉnh chính sách thuế và tạo hàng rào bảo vệ hợp lý, ngành dừa Việt Nam sẽ không chỉ mất đi sức cạnh tranh mà còn đối mặt nguy cơ suy thoái nghiêm trọng trong dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm |
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn nói khoảng chục năm trước, khi giá dừa tăng cao, các doanh nghiệp kêu ca về tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Thời điểm đó, để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam đã áp thuế xuất khẩu. Kết quả là giá dừa nội địa rớt thê thảm, chỉ còn 300 - 500 đồng/trái. Trong khi đó, dừa là cây lâu năm, việc chuyển đổi hay đầu tư phát triển gặp rất nhiều khó khăn; đời sống nông dân trồng dừa bị ảnh hưởng kéo dài. "Chỉ khoảng 1 năm nay, giá dừa tương đối tốt và thu nhập người trồng dừa mới khởi sắc. Nếu lại đánh thuế có thể sẽ xảy ra tác dụng ngược", ông Tuấn cảnh báo.
Tương tự, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, nói câu chuyện thiếu dừa nguyên liệu để chế biến xuất khẩu "hơn một chục năm qua, doanh nghiệp lúc nào cũng kêu". "Tôi cũng đã nói ở các hội nghị và ngay tại hội nghị này cũng xin nhắc lại doanh nghiệp nào thiếu nguyên liệu cứ đến Sở NN-PTNT tìm tôi. Tôi sẽ giới thiệu vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp hợp tác để khai thác vùng nguyên liệu theo hợp đồng rõ ràng. Những số liệu về diện tích dừa ở Bến Tre cho thấy dư địa phát triển của ngành dừa còn rất lớn. Nếu áp thuế xuất khẩu thì khả năng giá dừa sẽ giảm và doanh nghiệp được hưởng lợi nhưng sẽ thiệt hại cho bà con nông dân. Lợi ích của doanh nghiệp và người nông dân phải được hài hòa", ông Đức thẳng thắn.
Dừa là một trong 6 loại cây trồng thuộc "Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030". Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000 ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170.000 - 175.000 ha. Đồng thời, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP, hoặc tương đương; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu dừa năm 2010 chỉ có 180 triệu USD. Những năm qua, ngành dừa phát triển mạnh mẽ và đạt kim ngạch hơn 900 triệu USD vào năm 2023, kỳ vọng vượt mốc 1 tỉ USD trong năm 2024.