Dự báo xuất khẩu thủy sản quý I/2022 tăng trưởng 15% Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,2 tỷ USD Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2022 tăng 42,8% so với cùng kỳ |
Xuất khẩu thủy sản tăng vọt |
Xuất khẩu thủy sản tiếp đà tăng mạnh
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tháng 2/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 125 nghìn tấn, trị giá 600 triệu USD, tăng 29,9% về lượng và tăng 52,8% về trị giá so với tháng 2/2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 307 nghìn tấn, trị giá 1,472 tỷ USD, tăng 21,5% về lượng và tăng 46,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp tục đà hồi phục sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp thủy sản đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loài thủy sản thế mạnh như cá tra tăng 83,3%, tôm tăng 34,3%.
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính tháng 2/2022 |
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), sản xuất, chế biến thủy sản gần như trở lại bình thường như trước dịch. Nhu cầu của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường lớn đều tăng đột phá.
Giá nguyên liệu trong nước cũng tăng, nên cả bà con nông ngư dân và doanh nghiệp đều lạc quan vào một năm bội thu, tất cả đều đang phấn khởi tích cực sản xuất.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan. Theo đó, xuất khẩu thủy sản trong quý 1/2022 có thể mang về trên 2 tỉ USD.
Tận dụng nhu cầu thế giới để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản
Tại Báo cáo Triển vọng nông nghiệp 2021 - 2030, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) dự báo, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của thế giới sẽ đạt 21,2 kg vào năm 2030, tăng so thời điểm 2018 - 2020 (bình quân 20,5 kg) và tăng 3,6% trong giai đoạn 2020 - 2030.
Năm 2030, nuôi trồng thủy sản, dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá phục vụ con người, cao hơn 4% so thời điểm 2018 - 2020.
Tiêu thụ thủy sản được kỳ vọng sẽ mở rộng ở tất cả các châu lục, nhờ thu nhập tăng, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối và đổi mới sản phẩm.
Theo VASEP tôm vẫn là “át chủ bài” thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước trong năm 2022 |
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng: “ Với những nỗ lực sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên toàn cầu vẫn đang tăng, khoảng 5% mỗi năm”.
Theo ông Trương Đình Hòe, nếu ngành thủy sản tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thì hoàn toàn có thể duy trì được sự tăng trưởng, trong đó tôm vẫn là “át chủ bài” thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước.
Năm 2022, dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, do đây là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu của thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt.
Năm 2022, những thị trường tiềm năng của Việt Nam về xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục đóng vai trò chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực khai mở, tháo gỡ những khó khăn của các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…
Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nhận định, năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU, dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ, do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.
Cùng với đó, xuất khẩu cá tra, dự báo sẽ tăng trưởng trở lại năm 2022 và thị trường Trung Quốc vẫn là khu vực tiềm năng cho xuất khẩu cá tra. Đây là thông tin lạc quan, bởi theo VASEP, từ cuối năm 2021, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, việc tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do- FTA thế hệ mới và do nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới tăng là một trong những yếu tố quan trọng - động lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu năm 2022.