Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gỗ và lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ; Nhật Bản; Trung Quốc; EU, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, Hoa Kỳ ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 99% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc đạt 0,82 tỷ USD, tăng 22,9%; EU đạt 0,68 tỷ USD, tăng 54% và Hàn Quốc đạt 0,76 tỷ USD, tăng 7%.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm ước đạt 8,71 tỷ USD |
Nhập khẩu nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%. Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam hiện nay gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, Chi Lê với giá trị nhập khẩu ước đạt 894 triệu USD, chiếm 58% giá trị nhập khẩu của cả nước. Như vậy, nửa đầu năm 2021, ngành lâm nghiệp xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%.
Về các chỉ tiêu khác, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung khoảng 6,8 triệu m3, đạt 32% kế hoạch năm 2021, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2020. Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, nửa đầu năm 2021 đã thu được 1.431,7 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch thu năm 2021, bằng 167% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích rừng trồng mới tập trung là 108.258 ha, đạt 41,6% kế hoạch, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ước cả năm trồng được 260.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm. 1.329 vụ vi phạm ảnh hưởng tới rừng đã bị phát hiện, giảm 114 vụ (tương ứng giảm 8%) so với cùng kỳ năm 2020. Thu nộp ngân sách 29,5 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng qua, Quỹ dịch vụ môi trường rừng đã thu được 1.421,65 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch thu năm 2021, bằng 166% so với cùng kỳ năm 2020. Ước cả năm 2021 thu được 2.800 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, hoàn thành thanh toán nguồn tiền năm 2020 cho toàn bộ chủ rừng.
Ngoài ra, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số “điểm nóng” về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như: Bắc Kạn, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Gia Lai, nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất làm nương rẫy.
Trong nửa cuối năm 2021, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Trong đó, bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phấn đấu giảm 10% số vụ vi phạm và 20% về diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Bộ Đội Biên phòng, Hải quan, để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp; duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày về thông tin điểm cháy để kiểm tra, phát hiện, xử lý; ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm sớm phát hiện, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng…