Hiện Việt Nam có gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu (XK) cá tra sang ASEAN trong quý II/2020. Trong đó, gần 40 doanh nghiệp XK cá tra sang Singapore có mức tăng trưởng khả quan.
Tính đến giữa tháng 7/2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường ASEAN đạt 73,1 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK sang 3 thị trường đơn lẻ lớn nhất là: Thái Lan giảm 33,2%; Singapore tăng 3,3%, Malaysia giảm 31,3%; so với năm trước. Trong đó, Singapore nổi bật trên bức tranh XK cá tra sang khu vực này.
Quý I/2020, XK cá tra Việt Nam sang ASEAN vẫn còn giảm nhẹ thì từ bước sang quý II giá trị XK giảm càng mạnh hơn do đại dịch Covid-19 không chỉ dừng lại ở một số quốc gia Malaysia, Indonesia hay Philippines. Singapore cũng bị ảnh hưởng nặng nề do số ca mắc gia tăng.
Cá tra là sản phẩm chủ lực của Việt Nam
Nếu đầu năm nay, Thái Lan là thị trường XK cá tra lớn nhất trong khối, chiếm 41% tổng giá trị XK sang cả khối, thì sang quý 2/2020, giá trị XK sang Thái Lan giảm mạnh, nước này chỉ chiếm 13% tổng giá trị XK cá tra sang ASEAN. Singapore vươn lên thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của khu vực trong 3 tháng của quý 2/2020, chiếm 44,8% tổng giá trị XK cá tra Việt Nam sang ASEAN trong quý này.
Quý II/2020, trong khi hầu hết giá trị XK sang các thị trường ASEAN và EU giảm sút thì riêng giá trị XK sang Singapore tăng 38,5% đạt gần 13 triệu USD. Tính tới giữa tháng 7/2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Singapore đạt gần 21 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, Việt Nam có gần 50 doanh nghiệp XK cá tra tham gia XK sang ASEAN trong quý II/2020, trong đó, gần 40 doanh nghiệp XK cá tra sang Singapore. Ba doanh nghiệp, gồm: Hương Phúc Thịnh, IDI CORP và TG CORP là các công ty có giá trị XK cá tra lớn nhất sang Singapore trong thời gian này.
Phát triển cá tra trong tình hình mới
Trong thời gian này, Việt Nam XK các sản phẩm cá tra nổi bật như: Cá tra phile đông lạnh, bong bóng cá tra khô; cá tra phile cắt cube đông lạnh; phile cá tra cắt miếng đông lạnh, cá tra fillet tẩm bột tempura, cá tra cắt miếng tẩm bột chiên chín đông lạnh… sang thị trường Singapore.
Mặc dù có nhiều dấu hiệu khả quan tuy nhiên ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định: Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 11,4% so cùng kỳ; nguyên nhân là diện tích nuôi ở ĐBSCL tăng, nhưng thị trường xuất khẩu khó khăn dẫn đến giá trị giảm. Từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới. Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á… đã làm tăng thêm cái khó cho đầu ra cá tra trong thời gian tới và nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp hợp lý, hiệu quả thì mục tiêu xuất khẩu cá tra khoảng 2,2 tỷ USD của năm 2020 sẽ khó đạt.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, một điểm cần lưu ý là kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ tháng 1/2020 đạt hơn 18,1 triệu USD, dù giảm 55% so cùng kỳ, nhưng lại chiếm tỷ lệ 17,8% về tổng giá trị, cao nhất so với các thị trường khác. Song, không thể trông chờ quá nhiều vào Mỹ, mà chúng ta cần cấp bách thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nỗ lực duy trì các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới trong điều kiện cho phép, kể cả gia tăng ở thị trường nội địa.
Linh Anh