Ngành thủy sản đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD sẽ là nền tảng khá chắc chắn để tạo dựng thành quả cao hơn |
TS. Hồ Quốc Lực cho biết, thế giới đầy biến động khôn lường, cuốn theo sự bất ổn đến từng quốc gia, địa phương, ngành nghề, thậm chí đến từng gia đình, từng con người. Covid-19 tạm yên, đầu năm 2022 chiến tranh Đông Âu diễn ra với kịch bản không ai ngờ tới sự khốc liệt và kéo dài của nó, nhất là chưa thấy bình minh kết thúc.
Hậu quả từ Covid-19 chưa hồi phục hoàn toàn, nay hậu quả từ cuộc chiến vừa Đông Âu khiến thế giới rơi vào lạm phát. Nguyên nhân sâu xa từ đứt gãy một số chuỗi cung ứng khá cơ bản như năng lượng, lương thực, phân bón… Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của nước ta gặp khó từ tình hình này và còn từ sự cạnh tranh quốc tế gay gắt nhất là từ tôm đối thủ.
“Dòng tiền các doanh nghiệp bị đình trệ, khó mà hoàn tất kịp thời trách nhiệm với nơi cung ứng vốn, khó chồng thêm khó”, TS. Hồ Quốc Lực nhìn nhận.
Theo Nguyên Chủ tịch VASEP khó khăn là bạn đường “chung thủy” của doanh nghiệp và cộng đồng doanh nhân đã từng đối đầu nhiều lượt khó khăn không nhỏ. Nhưng ngành thủy sản đã vững vàng, đã tăng trưởng trong tiến trình dài.
“Khó khăn chỉ giúp ngành thanh lọc đội ngũ và lực lượng còn lại thêm tinh nhuệ. Vững tin lần này cũng vậy”, TS. Hồ Quốc Lực khẳng định.
Theo Chủ tịch HĐQT FIMEX VN, các doanh nghiệp phải tự biết điều chỉnh sách lược hoạt động, sách lược kinh doanh cho mình làm sao linh hoạt vượt qua chông gai với chi phí thấp nhất.
“Dĩ nhiên chú trọng lớn nhất là làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, các định mức tiêu hao; chú trọng nâng cao năng suất thông qua trang bị các công cụ hỗ trợ; đồng thời coi trọng sự uyển chuyển trong hoạch định thị trường từng giai đoạn, đi liền là sản phẩm tập trung tương ứng cũng như chọn lọc lại các khách hàng phù hợp”, Nguyên Chủ tịch VASEP nói.
Trong bối cảnh hiện nay khi người tiêu dùng ngày càng thông minh và sự đòi hỏi ngày càng khắt khe, các doanh nghiệp cũng không thể đi theo lối mòn cũ.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN |
Theo Nguyên Chủ tịch VASEP, giờ là cạnh tranh quốc tế, đầy cam go, không thể chậm chân hay chủ quan. “Doanh nhân chúng ta phải có đủ hành trang cho mình. Hành trang đó là biết coi trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, bởi các giá trị cốt lõi hình thành từ văn hoá doanh nghiệp sẽ là nền tảng vững chắc nhất cho phát triển bền vững. Song song không coi nhẹ đạo đức kinh doanh”, TS Hồ Quốc Lực nhấn mạnh và khẳng định: “Đó là hồn cốt của văn hoá doanh nghiệp”.
Theo Chủ tịch HĐQT FIMEX VN các doanh nhân phải thuộc làu nội dung CSR, CSV, ESG, CSI, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phải quan tâm xây dựng thương hiệu; phải coi trọng xây dựng chiến lược hoạt động…
Và hơn nữa, phải triển khai các nội dung đó trong nội bộ một cách thấu đáo đồng thời có tuyên ngôn với các đối tác và hệ thống khách hàng của mình, nhằm chung tay chia sẻ và tạo dựng các tiêu chí đầy thách thức nhưng rất nhiều lợi ích lâu dài đó. VASEP sẽ tiếp tay các doanh nghiệp những khái niệm, nội dung nêu trên, thể hiện sự chăm lo thấu đáo và kịp thời cho hội viên mình.
“Nói gì nói, năm 2022 đã để lại thành quả đầy ấn tượng cho tất cả sản phẩm thủy sản xuất khẩu, nhất là cá tra. Để kịp thời tuyên dương công lao, nhất là của các doanh nghiệp, VASEP đã tổ chức Lễ Mừng ngành thủy sản đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD. Chúng ta tự tin đó sẽ là nền tảng khá chắc chắn để tạo dựng thành quả cao hơn, dù biết trước mắt khó khăn to lớn hơn bao giờ hết, nhất là hoàn cảnh con tôm.
Vạn sự khởi đầu nan là bình thường, tiền hùng hậu kiết có lẽ là cái kết cho ngành chúng ta, bù lại cho bao nỗ lực bền bỉ và đầy trách nhiệm của cả cộng đồng. Chúng ta tự tin, sự tự tin là cảm hứng tốt nhất để biến kỳ vọng thành hiện thực!”, TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP nhấn mạnh.