Cây rau rừng đặc biệt được thi sỹ Tản Đà ngợi ca bất ngờ lại là thực phẩm đại bổ |
Rau sắng Chùa Hương là loại rau rừng trứ danh có công dụng rất tốt cho sức khỏe. |
Nức thơm rau sắng Chùa Hương
Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) là địa danh nổi tiếng có một loại rau rừng gây thương nhớ trong câu thơ của thi sỹ Tản Đà: "Muốn ăn rau sắng Chùa Hương/ Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa"...
Loài rau trứ danh đi vào tâm hồn con người với sự lãng mạn từng gắn với mỗi bữa cơm của người nghèo, từng là thực phẩm cứu đói bộ đội Trường Sơn những năm chiến tranh khốc liệt.
Cây rau sắng Chùa Hương nổi tiếng đến độ, ai đã từng đi tới địa danh này, ngoài các sản vật, đều muốn mua về một chút rau sắng. Nhờ thế, người dân địa phương có được thu nhập cao từ việc đi hái rau sắng rừng.
Gọi là “rau” nhưng rau sắng không phải loại cây thân mềm như rau cải, rau diếp, rau muống… mà lại thuộc loại họ mộc, thân cao và to, chỉ mọc trên vùng núi đá vôi mà không hợp với một vùng thổ nhưỡng nào khác.
Rau sắng sử dụng lá non, đọt thân, hoa và quả để chế biến. Người dân vùng này cho biết, chỉ cần nấu rau với nước, thêm chút muối, chỉ cần vậy là có bát canh ngọt ngào, tinh khiết. Hoặc nấu cùng với cá, thịt lợn… cũng dậy lên vị ngon đặc biệt.
Là non là bộ phận chính dùng để nấu canh nhưng hoa và quả cây rau sắng cũng có những giá trị đặc biệt. |
Gia đình anh Lê Văn Kít (thôn Phú Yên, xã Hương Sơn) canh tác cây rau sắng được hơn chục năm với hơn 2 ha. Từ ngày chuyển đổi cây ăn quả sang trồng cây rau sắng, thu nhập của gia đình phát triển và ổn định hơn. Giá bán vào những đợt đỉnh điểm giao động từ 400.000 – 500.000 đồng/kg, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Rau sắng rất ngọt và mát. Rau sắng nấu canh như các loại rau khác, thêm chút muối tôm, chút thịt lợn băm nhỏ hoặc giò sống, đun sôi khoảng 1 phút bắc ra là đã chế biến xong món canh rau sắng.
Hoa rau sắng gọi là rồng rồng, nhỏ li ti như hoa ngâu, có độ ngọt cao nhất và là phần “đắt” nhất của cây rau sắng, nếu có được ít rồng rồng trộn lẫn thì tuyệt vời cho bát canh giải nhiệt mùa hè, ăn với cà pháo muối thì khỏi chê. Rau sắng rất giàu đạm thực vật nên thích hợp với người bị sỏi thận, loãng xương...
Theo anh Kít cách nấu canh rau sắng chuẩn nhất đó là khi hái về không nên rửa rau, lúc bắt đầu đun nước thì mang rau ra... lau, như thế rau mới được mềm và ngon, nếu rửa trước để rau ngấm nước lã thì rau sẽ bị già đi, ăn bã và không thơm.
Rau sắng dễ trồng ít tốn công chăm sóc
Cây sắng ưa đất ẩm, mọc dưới tán lá của những loại cây khác. Ở xã Hương Sơn, người dân thường trồng cây sắng dưới tán rừng mơ - một loài cây đặc sản nổi tiếng khác gắn với danh thắng chùa Hương. Lá sắng màu xanh bóng, hình lưỡi mác. Phần được gọi là “rau sắng” là phần đọt thân và lá non, được người dân thu hái khi mới nhú lên khoảng 5 - 10cm. Nếu lấy phần già hơn, rau sắng sẽ bị cứng, khó ăn và không có vị ngọt, hương thơm như phần lá non.
Theo anh Lê Văn Kít, để lên núi hái rau sắng là công việc khá vất vả. Cây rau sắng cao vài mét, muốn hái cành non phải trèo lên cây, không đơn giản chút nào.
Anh Kít còn bảo đây là thứ rau siêu sạch, bởi rau sắng không ưa phân bón, sống hoàn toàn tự nhiên và chỉ hít khí trời.
Nhờ trồng rau sắng, gia đình anh Kít thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm. |
Việc trồng cây rau sắng có nhiều thuận lợi so với cây ăn quả. Ngoài việc đỡ sâu bọ, công chăm sóc thì trên diện tích trồng sắng, gia đình còn có thể trồng thêm nhiều loại cây ăn quả hay cây lấy gỗ như mít, xoan… “Đặc tính sống theo tán lá rừng, nếu mình trồng được nhiều cây có tán lá rộng sẽ giúp cho cây sau sắng đỡ nắng, cây phát triển được tốt hơn. Gia đình tôi cũng thu hoạch được loại cây hoa quả khác như cây mít Thái, đu đủ… để tăng thêm thu nhập”, anh Kít cho hay.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thướng – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hương Sơn: “Rau sắng cũng có ở trên những vách đá của núi đá vôi có độ cao khoảng 100 – 200 m trở lên (so với mặt nước biển), có ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn,…nhưng có lẽ do thổ nhưỡng, khí hậu cũng như nguồn gốc nên chỉ có ở chùa Hương thì vị của rau mới ngọt, tinh khiết mà không thể nơi nào có được”.
Hiện cả xã Hương Sơn có khoảng 70 ha rau sắng, trong đó có trên 40 ha mọc tự nhiên và 30 ha được bà con trồng dưới tán lá cây rừng. Với lợi thế từ lượng khách du lịch đổ về chùa Hương mỗi năm hơn 1,5 triệu người, cùng sự hỗ trợ của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Sơn đã góp phần đưa rau sắng trở thành một điểm nhấn đặc biệt ở chùa Hương.
Hiện nay, chính quyền địa phương cùng người dân và các nhà khoa học đang nỗ lực bảo tồn giống, nhân rộng diện tích trồng để khôi phục và bảo vệ loài cây là đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Hương Sơn. |
Hoa sắng thường ra vào tháng 2, có màu trắng và mọc từ những mắt của thân cây thành từng chùm. Phần này có thể dùng nấu canh hoặc xào với thịt bò. Khoảng tháng 6, quả sắng kết trái, có vị ngọt như mật ong. Quả sắng có thể được tách vỏ, lấy hạt ninh xương và chế biến món canh cho hương vị ngon ngọt, bổ dưỡng.
Trước đây, những cây rau sắng dại thường mọc trên các vách đá cheo leo. Để hái được, người đi rừng phải thông thuộc địa hình, có sức khỏe và leo trèo giỏi. Vì quý hiếm nên có thời gian rau sắng bị khai thác nhiều đến mức có khả năng biến mất. Hiện nay, chính quyền địa phương cùng người dân và các nhà khoa học đang nỗ lực bảo tồn giống, nhân rộng diện tích trồng để khôi phục và bảo vệ loài cây là đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Hương Sơn./.