Cây cam thảo có nguồn gốc ở Trung Quốc và được sử dụng như một loại thảo dược quý
Thành phần hóa học của cây cam thảo
Theo các công trình nghiên cứu về dược tính của cam thảo thì trong cây thuốc này có chứa một số chất hóa học có lợi cho y dược như:
Glycyrrhizin có hàm lượng 10-14% trong rễ cam thảo là một saponin thuộc nhóm olean. Nhóm saponin có tác dụng hạ đường huyết, giảm cholesterol, tăng cường miễn dịch, chống viêm, chống mệt mỏi, chống ung thư…
Các dẫn chất triterpenoid có khả năng chống oxy hóa, làm lành các vết thương và cung cấp máu để hồi phục và tái tạo vùng da bị tổn thương nhanh chóng.
Các flavonoid có hàm lượng 3-4% trong rễ cam thảo có chứa chất chống oxy hóa lý tưởng, hỗ trợ đắc lực cho việc cải thiện sức khỏe.
Hoạt chất estrogen steroid kích thích máu lưu thông đến tử cung, làm tăng số lượng cơ tử cung, giúp tử cung lớn hơn và hoạt động tốt.
Những dẫn chất coumarin có tác dụng dược lý cao, thường được dùng để làm thuốc chống đông máu, chống co thắt.
Bên cạnh đó là một số thành phần dưỡng chất như: tinh bột, glucose,…
Tác dụng dược lý của cây cam thảo
Là một vị thuốc nên cam thảo có rất nhiều tác dụng dược lý để hỗ trợ cải thiện sức khỏe hữu ích được cả Đông y và Tây y sử dụng
Tác dụng của cam thảo theo Đông y:
Theo y học cổ truyền, cam thảo có vị ngọt, tính bình và có tác dụng: Thanh nhiệt giải độc; đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết; thông kinh hoạt lạc, dưỡng khí, địch phách, ích tinh.
Tác dụng của cam thảo theo y học hiện đại:
Đối với y học hiện đại, cam thảo là một loại dược liệu chứa nhiều hợp chất có tác dụng dược lý cao. Vì vậy, được sử dụng chủ yếu để nghiên cứu, bào chế thuốc hỗ trợ các bệnh như:
Viêm da, nhiễm trùng da: Theo tạp chí Nghiên cứu Dược phẩm Iran, nhờ vào hoạt chất glycyrrhiza glabra có trong cam thảo ức chế mà các vi khuẩn gây viêm nhiễm da không thể xâm nhập hay phát triển bên trong cơ thể, giúp cải thiện tình trạng lở loét, nhiễm trùng.
Viêm loét dạ dày: Những chất thuộc hợp chất flavonoid được các nhà nghiên cứu tìm thấy trong cam thảo như glabren và glabridin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP, phục hồi vết loét trong dạ dày một cách nhanh chóng, giảm thiểu các triệu chứng trào ngược, buồn nôn,… do bệnh này gây ra.
Viêm gan C: Hoạt chất glycyrrhizin được tìm thấy trong cam thảo còn có tác dụng giải độc, đào thải các độc tố ra bên ngoài gan và chống lại sự ảnh hưởng của Carbon tetrachloride tới gan.
Một số bài thuốc trị bệnh bằng cây cam thảo
Tác dụng dược lý của cam thảo đã được y học hiện đại chứng minh trong rất nhiều các công trình nghiên cứu. Vậy nên, người bệnh có thể yên tâm sử dụng một trong các bài thuốc dưới đây tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mình để khắc phục và cải thiện sức khỏe.
Bột cam thảo chữa viêm loét dạ dày
Bài thuốc này sử dụng cam thảo để ngăn chặn sự phát triển của vết loét, sản sinh các tế bào trong niêm mạc dạ dày.
Chuẩn bị: Bột cam thảo: 5g; Nước lọc: 200ml
Cách thực hiện: Đun sôi 200ml nước. Cho bột cam thảo vào nước nóng hòa tan. Uống ngay khi nước còn ấm. Sử dụng 3 lần/ngày, trước bữa ăn 30 phút để các dưỡng chất thẩm thấu vào thành dạ dày, phục hồi và làm lành các vết loét.
Cam thảo chữa ho lao, ho lâu ngày
Cam thảo hãm như trà uống để hỗ trợ điều trị ho lao, ho lâu ngày
Theo Đông y, cam thảo có tác dụng làm ấm và dịu cổ họng, cải thiện tình trạng ngứa rát khó chịu. Do vậy, nếu bị ho lao và ho khan lâu ngày khó khỏi, bạn có thể sử dụng bài thuốc này để khắc phục.
Chuẩn bị: Cam thảo: 3-5g; Nước sôi: 300ml
Cách thực hiện: Đem cam thảo nướng sơ qua. Sau đó cho vào 300ml nước sôi để hãm như hãm trà. Uống trực tiếp khi nước còn ấm. Thực hiện 2-3 lần/ngày để đạt được hiệu quả.
Ngậm cam thảo chữa viêm họng
Đây là phương pháp được rất nhiều người sử dụng bởi sự đơn giản, lành tính và an toàn đối với cả trẻ em. Khi ngậm cam thảo, các tinh chất sẽ làm dịu cổ họng, tiêu diệt các vi khuẩn và chống viêm.
Chuẩn bị: Cam thảo: 1 phiến dày 2mm
Cách thực hiện: Chia lát cam thảo phiến làm 4 phần nhỏ để ngậm rải rác trong ngày. Thực hiện liên tục trong 3-5 ngày, cam thảo sẽ phát huy tác dụng. Đối với trẻ em thì nên giảm liều lượng xuống còn 1 nửa, tức 2 lần/ngày và không nên sử dụng quá liều lượng cho phép để tránh tác dụng phụ.
Cam thảo hỗ trợ bệnh viêm tắc tĩnh mạch
Theo y học cổ truyền, với những bệnh nhân bị viêm tắc tĩnh mạch ở thể nhiệt thì cam thảo có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lưu thông khí huyết và đả thông kinh mạch.
Chuẩn bị: Đương quy: 12g; Hoàng kỳ: 16g; Địa long:12g; Cam thảo: 6g; Ngưu tất: 12g; Kim ngân hoa: 16g; Từ thảo nhung: 12g; Nước lọc: 2 lít
Cách thực hiện: Các nguyên liệu đem sơ chế và làm sạch. Cho vào ấm đun sắc với 2 lít nước. Tiếp tục đun sôi cho đến khi nước cạn còn một nửa. Chia làm 3 phần uống trong ngày khi nước còn ấm.
Những lưu ý khi sử dụng cây cam thảo
Cần lưu ý một số vấn đề để phòng tránh và hạn chế tối đa những phản ứng không mong muốn đối với cơ thể khi dùng cam thảo
Những người không nên dùng cây cam thảo
Phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng bởi hoạt chất glycyrrhiza có trong cam thảo sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ của thai nhi
Những người bị lợi tiểu trừ thấp, đầy bụng hoặc gặp các vấn đề về thận cũng không nên sử dụng
Nếu cơ địa dị ứng với các thành phần có trong cam thảo bạn cũng phải ngưng sử dụng ngay
Liều lượng dùng cây cam thảo
Chỉ nên dùng tối đa 100g nước chiết cam thảo 1 ngày để tránh tình trạng tăng huyết áp, giảm kali trong máu.
Uống từ 7-14 ngày lại nghỉ vài ngày để tránh tích nước, tăng huyết áp
Một số loại thuốc có thể tương tác với cây cam thảo khi uống chung
Cam thảo có thể tương tác với một số thành phần trong các loại thuốc: Thuốc hạ kali. Thuốc điều trị tăng huyết áp như captopril, valsartan, amlodipine, furosemide và hydrochlorothiazide. Chất làm loãng máu Coumadin. Thuốc ngừa thai. Nhóm thuốc trị viêm Corticosteroid như methylprednisolone, dexamethasone và prednisone. Nhóm thuốc nội tiết như: estrogen, estradiol và ethinyl estradiol
Những lưu ý khác
Đối với những người đang uống thuốc Tây, trước khi dùng cam thảo phải hỏi ý kiến bác sĩ, đề phòng các tương tác tiêu cực với sức khỏe.
Tuân thủ đúng liều lượng mà các bác sĩ và chuyên gia đã khuyến cáo.
Nếu không bị bệnh gan thì nên hạn chế dùng bởi sử dụng quá nhiều cam thảo sẽ gây hại cho hệ thống tim mạch và gan.
Nói chung, nếu biết sử dụng đúng cách thì cam thảo vẫn sẽ là một vị thuốc tốt hỗ trợ cho sức khỏe. Tuy nhiên, trên đây chỉ là những bài thuốc mang tính chất tham khảo chung. Để hiểu rõ tình trạng bệnh lý của mình và muốn dùng cam thảo để trị bệnh mọi người nên tham vấn ý kiến của các thầy thuốc Đông y hay những vị bác sĩ có chuyên môn để đạt được hiệu quả trị bệnh tốt nhất.
Yên Thư